Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại khu vực Tây Nguyên
Khu vực Tây Nguyên có 3 huyện nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất trong cả nước được đầu tư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, gồm các huyện: Đam Rông (của tỉnh Lâm Đồng), TuMơ Rông và Kon Plong (của tỉnh Kon Tum). Năm 2011, huyện Đăk Glong của tỉnh Đăk Nông được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, tỉ lệ hộ nghèo tại các địa phương này giảm nhanh từ 55,04% năm 2008 xuống còn 38,11% năm 2010, giảm 16,93% so với năm 2008 (theo tiêu chí cũ 2006-2010); theo tiêu chí mới (2011-2015) tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 từ 65,25% giảm xuống còn 51,44% năm 2011, giảm 13,81% so với đầu năm 2011.
Với tổng nguồn vốn bố trí theo Đề án 30a trong 3 năm (2009-2011) là 310.160 triệu đồng (trong đó, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, từ ngày ban hành quyết định cho đến ngày 31/12/2011, do chưa được bố trí nguồn vốn nên trong năm 2011 huyện chưa triển khai thực hiện được), được chia làm hai nguồn: Vốn đầu tư 279.000 triệu đồng và vốn sự nghiệp 31.160 triệu đồng; cộng với kinh phí các doanh nghiệp giúp đỡ 72.520 triệu đồng.
Trong 3 năm, các địa phương đã đầu tư xây dựng 85 công trình các loại với tổng vốn: 238,63 tỷ đồng, gồm: 27 công trình giao thông, 24 công trình thủy lợi, 07 công trình điện, 02 công trình nước sinh hoạt, 02 trạm ươm cây giống, 01 trung tâm dạy nghề và 01 nhà văn hóa xã.
Bằng nhiều nguồn vốn đã huy động, các huyện đã làm được 3.046 căn nhà hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Hằng năm, các huyện đều thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để giao khoán và đã giao khoán cho 3.899 hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS quản lý bảo vệ với tổng số tiền hỗ trợ 8.737 tỷ đồng, hộ nghèo có thêm thu nhập bình quân 200.000đồng/tháng, phần nào đã giải quyết được những khó khăn trước mắt để người dân tập trung lao động sản xuất.
Đối với việc trồng rừng, trong 3 huyện thì chỉ có huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng đã giao đất trồng rừng được 2.448,81 ha với số tiền 11,3 tỷ đồng. Loài cây trồng keo lai hiện đang sinh trưởng tốt, góp phần đáng kể vào việc phủ xanh đồi núi trọc, tăng tỷ lệ che phủ của rừng lên 72%.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ sản xuất theo Đề án 30a với tổng kinh phí bố trí 19,94 tỷ, trong đó: Hỗ trợ khai hoang cho 1.433 hộ với kinh phí 3,5 tỷ đồng; Hỗ trợ phục hoá đồng ruộng cho 1.003 hộ với kinh phí 2,1 tỷ đồng; Hỗ trợ làm chuồng chăn nuôi gia súc cho 1.067 chuồng/1.607 hộ, mức hỗ trợ mỗi chuồng 1 triệu đồng (1,61 tỷ đồng); Hỗ trợ tiền mua giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng cho 7.558 hộ với kinh phí 7,99 tỷ đồng; Hỗ trợ ưu đãi hoạt động khuyến nông, lâm ngư nghiệp cho 2.159 hộ với kinh phí 4,63 tỷ đồng và Hỗ trợ trợ cấp bố trí cán bộ khuyến nông, lâm nghiệp cho 89 đối tượng với 133 triệu đồng.
Trong 3 năm, các huyện đã tổ chức dạy nghề cho 3.495 học viên với tổng kinh phí 2,67 tỷ đồng và đào tạo các ngành nghề như: trồng, chăm sóc rừng và cà phê, xây dựng, sữa chữa xe máy, mộc dân dụng, đan len…; Huyện Đam Rông đã xuất khẩu được 62 lao động chủ yếu thị trường Malaysia (riêng năm 2011 xuất khẩu được 30 lao động) có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều hộ gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đã có nguồn vốn để đầu tư sản xuất và trở thành những mô hình điểm trong phong trào thi đua sản xuất, vươn lên thoát nghèo của huyện.
Công tác cán bộ cũng đã được quan tâm, đã tuyển chọn được 33 trí thức trẻ tình nguyện trình độ cao đẳng, đại học, bố trí về công tác tại các xã và tăng cường, luân chuyển 36 cán bộ chủ chốt cho cơ sở xã để hỗ trợ thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Qua thời gian công tác, đội ngũ cán bộ này đã tiếp cận, hòa nhập với điều kiện môi trường công tác tại cơ sở, phát huy được trình độ, kiến thức, tham mưu cho các xã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của địa phương.
Ngoài ra, các huyện còn được Trung ương bố trí kinh phí thực hiện các chính sách vay vốn, trong 03 năm được bố trí 30,09 tỷ đồng (trong đó: vay để phát triển ngành nghề, đi xuất khẩu lao động, làm nhà theo QĐ 167...), cho 4.607 hộ thụ hưởng. Nhìn chung, nguồn vốn cho người dân vay đặc biệt là hộ nghèo đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đã được bà con sử dụng đúng mục đích vào sản xuất phát triển kinh tế gia đình, giải quyết khó khăn về nhà ở góp phần mang lại hiệu quả kinh tế xóa nghèo bền vững.
Bên cạnh nguồn vốn của Trung ương đầu tư, các địa phương còn được các doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ. Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng thường xuyên, chủ động liên hệ với các đơn vị giúp huyện để tranh thủ ý kiến đóng góp và nguồn vốn đầu tư hỗ trợ. Qua 3 năm, các đơn vị đã hỗ trợ cho huyện 67,52 tỷ đồng (trong đó Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam hỗ trợ 29,42 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 24,5 tỷ đồng, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn hỗ trợ 3,6 tỷ đồng, Công ty Xổ số kiến thiết Lâm Đồng hỗ trợ 10 tỷ đồng), huyện đã đầu tư xây và nâng cấp 12 công trình trường học, 03 trạm y tế, 01 nhà công vụ, 02 nhà văn hóa xã và 01 công trình chợ, tổ chức xây dựng nhà cho 60 hộ dân tại TK 212 xã Phi Liêng.
Ngoài kinh phí của Trung ương đầu tư hỗ trợ, các tỉnh trong khu vực đã cân đối, sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để đầu tư hỗ trợ các xã nghèo theo cơ chế NQ 30a, cụ thể: Tỉnh Lâm đồng có 29 xã nghèo, có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%. Địa phương cân đối Ngân sách hỗ trợ cho 29 xã nghèo, với tổng kinh phí là 23.488,6 triệu đồng. Ước đến cuối năm 2011 các địa phương thực hiện giải ngân được 20,5 tỷ đồng, đạt 85% so kế hoạch, trong đó các huyện có tỷ lệ giải ngân cao là: Lạc Dương (97%), Đạ Tẻh (85%), Đức Trọng (95%); Tỉnh Kon Tum có 8 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn thuộc 6 huyện (Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy và Sa Thầy) có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% được đầu tư hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, với tổng kinh phí 32.900 triệu đồng cho 8 xã, 52 thôn, làng; Tỉnh Gia Lai đã xây dựng Đề án đầu tư theo cơ chế 30a cho 4 huyện (K’bang, Ia Pa, Krông Chro, Krông Pa) gửi các Bộ, ngành Trung ương nhưng đến nay chưa được phê duyệt.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, các huyện của khu vực Tây Nguyên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ về nhiều mặt của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các đơn vị nhận đỡ đầu. Đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các sở ban ngành của tỉnh. Vì vậy, kinh tế - xã hội của các huyện trong 03 năm qua 2009-2011 có bước phát triển đáng kể, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Mặc dù đạt kết quả như trên song việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: tỷ lệ nghèo một số huyện còn cao; sự phối hợp giữa các đơn vị với các huyện về hướng dẫn của các cấp, ngành chưa thống nhất, chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng, chậm tiến độ; lực lượng xây dựng đề án chưa có thời gian nghiên cứu sâu, chưa nắm đầy đủ nội dung để xây dựng và triển khai tốt kế hoạch do đó trong quá trình thực hiện đã phải điều chỉnh nhiều lần. Nguồn vốn bổ sung, hỗ trợ có mục tiêu theo Nghị quyết 30a của Trung ương hằng năm còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu đầu tư của địa phương, khó khăn cho tỉnh trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo. Do xuất phát điểm nền kinh tế thấp, trình độ văn hoá, mặt bằng dân trí thấp, một số tập tục lạc hậu, tính trông chờ ỷ lại, thiếu ý chí phấn đấu làm giàu còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân gây khó khăn trong việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống. Năng lực điều hành của một số cán bộ còn hạn chế, nhất là ở cơ sở đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, đa phần là người dân tộc thiểu số chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ... đã ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả của Chương trình trong 3 năm qua.
Nhằm giúp các địa phương trong khu vực thực hiện tốt hơn Nghị quyết 30ª trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ ngành cần có cơ chế bố trí vốn hợp lý (tăng mức vốn hằng năm để xây dựng hoàn thành các công trình thiết yếu) và bố trí nguồn vốn sự nghiệp sớm ngay từ đầu năm để các huyện chủ động triển khai các chương trình, dự án theo đúng kế hoạch, lộ trình. Bên cạnh đó, nên có cơ chế hỗ trợ thêm bằng trợ cấp hoặc cho vay ưu đãi đối với các hộ nghèo trồng rừng (do định mức hỗ trợ trồng rừng 5 triệu đồng/ ha là thấp so với chi phí cần phải đầu tư hiện nay khoảng 10 triệu đồng/ha) giúp các hộ nghèo thuận lợi trong việc triển khai trồng rừng. Đồng thời cho cơ chế đối với các hộ mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ như hộ nghèo trong 02 năm kế tiếp để các hộ vừa thoát nghèo vừa có điều kiện phát triển bền vững và hạn chế tái nghèo. Phân công thêm các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo và đôn đốc các đơn vị được phân công quan tâm hỗ trợ đối với các huyện này.
Đối với các địa phương, cần tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện NQ 30a tới các Sở, ngành và các huyện nghèo. Chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm chuyển biến về nhận thức, tư tưởng trong nhân dân, xoá bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo, thói quen sinh hoạt, canh tác lạc hậu đồng thời phát huy khả năng sáng tạo, ý chí nỗ lực tự vươn lên, hướng dẫn giúp hộ nghèo cách làm ăn, tiêu dùng tiết kiệm, biết tích luỹ để tái đầu tư. Thực hiện tốt việc rà soát, quản lý hộ nghèo, đánh giá đúng nguyên nhân để có cơ sở hỗ trợ đầu tư giúp họ nhanh chóng thoát nghèo bền vững. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tạo công ăn việc làm và lựa chọn một số ngành nghề phù hợp đặc biệt là những ngành phát huy được thế mạnh của địa phương. Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác, ưu tiên đầu tư các công trình có yêu cầu cấp thiết, công trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, đầu tư dứt điểm từng công trình, tránh đầu tư dàn trải. Có chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông-lâm nghiệp. Sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 30a theo quí để rút kinh nghiệm triển khai thực hiện tốt trong giai đoạn tiếp theo.../.
Phước An