Tỉnh Cao Bằng sau 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II

Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua tỉnh Cao Bằng đã đạt được những thành tựu quan trọng, trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội, quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, đời sống đồng bào các dân tộc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, công tác xoá đói giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, đặc biệt còn nhiều xóm có tỷ lệ nghèo gần 100% (huyện Bảo Lâm); khoảng cách thu nhập và mức sống đang có xu hướng tăng lên, giữa các vùng, miền và giữa các nhóm dân tộc.

Để thực hiện tốt và có hiệu quả các chính sách dân tộc và hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn. Tỉnh uỷ Cao Bằng đã có Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng trong thực hiện các chương trình: 120; 134; 135 giai đoạn II; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cụ thể hoá các chính sách dân tộc theo tình hình, đặc thù của địa phương; nhằm phát huy hiệu quả của chương trình trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất: Năm 2006-2007, tổng vốn đầu tư dự án là 25,44 tỷ đồng, với 18.777 hộ được thụ hưởng lợi từ chương trình; có 29.837 hộ được thụ hưởng; huyện đã triển khai công tác lập dự án, có 101 xã làm chủ đầu tư. Kết quả giải ngân thực hiện được 13.245 triệu đồng (trong đó: vốn có tính chất sự nghiệp là: 11.826,5 triệu, vốn có tính chất đầu tư phát triển: 1.418,2 triệu), đạt 52,06% kế hoạch; phần vốn đối ứng của nhân dân tương đương 5.045,6 triệu đồng. Năm 2008, vốn thực hiện dự án là 33,5 tỷ đồng (trong đó chỉ tiêu giao năm 2008 là 21,305 tỷ đồng, vốn 2007 chuyển sang là 12,195 tỷ), đến hết tháng 11/2008 đã giải ngân được 11,551 tỷ đồng, đạt 29,2% kế hoạch, luỹ kế cả giai đoạn (2006 - tháng 11/2008) được 24,796 tỷ đồng.

Năm 2008, Cao Bằng có 121 xóm, bản đặc biệt khó khăn xã khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Tuy nhiên chỉ có 115 xã đặc biệt khó khăn được Trung ương cấp vốn đầu tư, với nguồn kinh phí được giao là 186,566 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm tổ chức, triển khai thực hiện chương trình, đã khởi công, xây dựng được 449 công trình trong đó: hoàn thành 50 công trình, chuyển tiếp 273 công trình, khởi công mới 126 công trình trong đó gồm các công trình: giao thông nông thôn (90); thuỷ lợi (80); điện sinh hoạt (67); nước sinh hoạt (29); trường học và nhà ở giáo viên (52); chợ (6); trạm y tế xã (7); nhà sinh hoạt cộng đồng (3) và quy hoạch 03 xã (của huyện Bảo Lâm)). Các công trình đầu tư hoàn thành đã bàn giao cho xã quản lý, sử dụng đến nay các công trình phát huy hiệu quả tốt, chất lượng công trình bảo đảm.

Trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện mặc dù các huyện đã có nhiều cố gắng, nhưng tiến độ vẫn còn chậm so với kế hoạch, kết quả giải ngân đạt thấp. Tuy nhiên, việc làm đường nông thôn theo cơ chế đường đất 50 triệu đồng và đường qua đá 70 triệu đồng/km, nhưng đến nay chưa có huyện nào tổ chức thực hiện được, với lý do là mức đầu tư quá thấp khó thực hiện.

Dự án đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng: Tổng vốn cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng thôn, bản và xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II là 18,983 tỷ đồng: cấp tỉnh được 12 lớp, 1.970 lượt người; cấp huyện đào tạo được 212 lớp, có 17.818 lượt người tham gia; tổng kinh phí đã thực hiện là 8,556 tỷ đồng, đạt 45,07% kế hoạch, hiện nay các huyện đang tiếp tục triển khai đào tạo cho cán bộ cơ sở và cộng đồng. Đã nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ cơ sở, khả năng giám sát của cộng đồng; người dân được tiếp cận các kiến thức mới về sản xuất nông lâm nghiệp, được hiểu rõ hơn về các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống văn hoá của nhân dân luôn được quan tâm; các hoạt động văn hoá, thông tin đa dạng đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đến nay có 888.258 lượt người nghèo có bảo hiểm y tế. Năm học 2007-2008 đã phân bổ vốn 18 tỷ đồng, hỗ trợ các con hộ nghèo học mẫu giáo, con hộ nghèo học bán trú các bậc học (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông), hiện nay các huyện đang tiến hành giải ngân và đã rà soát xong các đối tượng thụ hưởng Chính sách theo Quyết định số: 112/TTg, năm học 2008-2009 và cả giai đoạn 2008-2010 báo cáo Uỷ ban Dân tộc trình Chính phủ với tổng là 35.605 học sinh (trong đó 7.040 học sinh mẫu giáo; 28.565 học sinh phổ thông); tổng hợp đối tượng hỗ trợ làm nhà vệ sinh cho cả giai đoạn từ 2008 đến 2010 là 24.725 hộ.

Hệ thống giáo dục - đào tạo được mở rộng và phát triển, tỷ lệ lên lớp các cấp học đạt trên 89%; hàng năm số học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc tăng. Đến nay tỉnh đã hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên được quan tâm, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tiểu học đạt trên 90%.

Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển, có 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản, nhi, có 35% trạm y tế cơ sở có bác sĩ, 100% thôn, xóm có nhân viên y tế, 97% số xã có trạm y tế, có 10 trạm y tế đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hệ thống bệnh viện từng bước được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được trang cấp đồng bộ, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ngày được tốt hơn.

Qua 3 năm, tổ chức triển khai thực hiện Chính sách dân tộc, Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn được đầu tư, xây dựng, diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới rõ nét; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện, nâng cao; quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững.

Tuy nhiên qua quá trình triển khai thực hiện chương trình cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế:

Một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ ngành Trung ương, thực hiện Chương trình chưa đồng nhất, nên việc thực hiện chỉ đạo thực hiện ở cơ sở còn lúng túng, kết quả triển khai thực hiện chương trình hiệu quả chưa cao.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp chưa làm hết trách nhiệm, tổ chức, triển khai thực hiện thiếu kiểm tra, đôn đốc nên tiến độ thực hiện không đáp ứng kế hoạch Chương trình đã đề ra. Công tác triển khai tuyên truyền nội dung Chương trình 135 các cấp, các ngành, các đoàn thể làm chưa tốt, nhiều cán bộ, đảng viên nhận thức chưa sâu sắc, chưa nắm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc của Chương trình. Việc triển khai lồng ghép các Chương trình, dự án khác trên cùng địa bàn thực hiện chưa được tốt kém hiệu quả.

Mặc dù đã được đầu tư, một số hạng mục công trình cơ sở hạ tầng, nhưng do cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đến nay đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn; một bộ phận đồng bào còn đói giáp hạt, chênh lệch mức thu nhập giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc trong tỉnh còn lớn; bên cạnh đó trình độ năng lực và kinh nghiệm quản lý dự án của Lãnh đạo và Ban quản lý dự án một số huyện còn hạn chế, lúng túng trong quản lý đầu tư xây dựng, cá biệt có một số huyện cho nhà thầu tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư (lựa chọn danh mục, đưa công ty tư vấn đi khảo sát, thiết kế, trình thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kĩ thuật…). Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư còn hạn chế, cán bộ chuyên môn cấp huyện chưa đủ năng lực thẩm định dự án, nên khó phân cấp cho cấp huyện, do đó tất cả các công việc đều dồn cho các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Việc giao cho các xã làm chủ đầu tư còn nhiều bất cập, năng lực cán bộ một số xã còn quá yếu, các huyện chưa phân công cụ thể các phòng ban chuyên môn giúp đỡ các xã làm chủ đầu tư, địa bàn còn thiếu nhiều công ty tư vấn, thiếu lao động kỹ thuật có trình độ.

Một số giải pháp trong thời gian tới:

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình các huyện chủ động triển khai các nội dung theo đề án đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đúng đối tượng, đúng Chính sách theo quy định hiện hành của pháp luật. Thực hiện việc lồng ghép giải quyết nước sinh hoạt theo Chương trình 135 với các chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án trên cùng địa bàn để hoàn thành việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt đáp ứng nhu cầu cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, cộng đồng và công tác tuyên truyền, vận động đạt kết quả, để đồng bào các dân tộc nhận thức rõ hơn các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; ý thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Chương trình. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật; thực hiện Chính sách hỗ trợ học sinh nghèo học bán trú theo Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà vệ sinh, chuồng trại hợp vệ sinh môi trường.

Đặng Hồng Tư
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 6/2009)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành