Tinh thần thoát nghèo ở xã 135: “Tôi làm được, bạn cũng thế”

Trở lại với huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) trong những ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến với xã Đồng Văn, xã vùng biên của huyện và đã cảm nhận được những đổi thay của xã nghèo nhất huyện trước đây.

Người dân xã Đồng Văn trồng hoa tại trang trại hoa Cao Sơn, Đồng Văn để phục vụ khách du lịch

 

Xã Đồng Văn có 9 thôn, bản, với 702 hộ dân. Thời điểm năm 2016, tại xã Đồng Văn, cứ 10 hộ dân thì có đến 7,5 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, thậm chí hộ đói. 
 

Tại bản Sông Moóc B, từng có 77/77 hộ dân thuộc hộ nghèo và cận nghèo, thì đến nay, trên những nền đất cũ của bản, hơn 50 ngôi nhà mới đã được thay cho những ngôi nhà đất trước kia. Ông Tằng Dảu Phồng, Trưởng bản Sông Moóc B cho biết: “Những năm gần đây, do thực hiện tốt các mô hình kinh tế, cuộc sống người dân được cải thiện, thu nhập tăng nên nhiều hộ dân tự nguyện đăng ký tham gia phong trào cứng hóa nhà cửa. Trung bình mỗi ngôi nhà đạt trên 200 triệu đồng, có những hộ đầu tư 400 - 500 triệu đồng để xây nhà, góp phần tích cực thay đổi bộ mặt thôn, bản trong xây dựng nông thôn mới”.
 

Ở thôn Khe Tiền, nơi sinh sống của 65 hộ dân tộc Dao, giờ chỉ còn 1 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. Chia sẻ về những đổi thay, anh Dương Cắm Hếnh, người dân trong thôn cho biết: “Cái nghèo trở thành nỗi xấu hổ đối với bà con chúng tôi, vì thế, chúng tôi quyết tâm xóa nghèo, nhà nhà, người người cùng nhau phát triển kinh tế”.
 

Không chỉ anh Hếnh, sự tự tin vươn lên thoát nghèo, tinh thần thoát nghèo đã lan tỏa ra khắp 9 thôn, bản trên địa bàn xã Đồng Văn. Bởi họ có trong tay những mô hình kinh tế phát triển ổn định, bền vững và những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước.

Cụ thể, từ Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, Đề án 196 của tỉnh Quảng Ninh, xã Đồng Văn được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, trong đó các tuyến đường giao thông đã trở thành động lực phát triển trên địa bàn; các chính sách hỗ trợ xây, sửa nhà ở, chuồng trại, công trình vệ sinh... nhanh chóng thay đổi diện mạo mỗi thôn bản. 
 

Cùng với đó, là sự giúp đỡ lẫn nhau trong việc định hướng phát triển kinh tế của chính những người dân tại thôn bản. Với phong trào “Tôi làm được, bạn cũng thế” đã lan tỏa tinh thần thoát nghèo trong Nhân dân xã. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế đã xuất hiện ở Đồng Văn, như: Mô hình nuôi cá thương phẩm lòng suối của anh Chìu Văn Phúc thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm; mô hình trồng quế, hồi mang lại cho mỗi hộ dân trung bình 100 triệu đồng/năm; mô hình trồng hoa, trồng nông sản sạch hoạt động theo Hợp tác xã (HTX) của HTX Cao Sơn; mô hình Homestay có sức chứa 30 - 60 du khách…
 

Anh Chìu Văn Phúc, Bí thư Chi bộ thôn Phai Làu cho biết: “Thành công nhất trong công cuộc xóa đói giảm nghèo là thay đổi tư duy của người dân, khi tôi hướng dẫn một số hộ dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình HTX, thay đổi thói quen sản xuất đã mang lại những hiệu quả kinh tế cao. Chính sự thay đổi về kinh tế đã thúc đẩy những hộ dân còn lại làm theo, nhờ đó bà con đã cùng nhau vươn lên thoát nghèo”.
 

Sự đa dạng về mô hình kinh tế đã giúp chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người xã Đồng Văn đạt 33 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ. Chính những sự đổi thay đó, đã giúp cho người dân nhận thấy cơ hội làm giàu vươn lên tự thoát nghèo. Nhờ vậy, Đồng Văn không chỉ là xã thoát nghèo nhất huyện, mà còn thoát khỏi xã 135 ở cả 2 cấp xã và thôn.

 

(baodantoc.vn)

 In bài viết
Văn bản điều hành