Tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò của Hội nông dân đối với công tác giảm nghèo
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá khóa XVII về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng chương trình hành động, xác định những mục tiêu cụ thể và từng bước triển khai trong hệ thống hội từ tỉnh đến cơ sở.
Xã Điền Quang, huyện Bá Thước là địa phương có thế mạnh về
đồi rừng, thông qua các nguồn tài trợ của UBND tỉnh và Tổ chức CIDEAL, Hội Nông
dân tỉnh đã triển khai xây dựng Dự án “Tạo nguồn thu nhập mới góp phần giảm
nghèo dựa trên mô hình nuôi dê cho các hộ dân tộc nghèo”. Tại đây, 60 hộ nông
dân tham gia dự án sẽ được đầu tư con giống với tổng trị giá trên 300 triệu đồng,
cùng với việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về chăm sóc dê sinh sản,
làm chuồng trại, trồng cỏ và chế biến thức ăn bằng các loại nông sản sẵn có ở
địa phương. Dự án được triển khai trong 5 năm với mục tiêu cụ thể, sau 8 tháng,
các hộ nuôi dê bước đầu tiếp cận với phương thức sản xuất mới, góp phần giảm
0,1% tỷ lệ hộ nghèo của cả xã Điền Quang, trong giai đoạn tiếp theo cho đến kết
thúc dự án, 60 hộ tham gia sẽ tăng từ 15 đến 20% so với tổng thu nhập.
Mô hình nuôi dê sinh sản cũng đã và đang phát triển rất tốt
tại xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn, 10 hộ tham gia đều đã đăng ký thoát nghèo sau
2 năm triển khai. Xã Bình Sơn và Thọ Bình, 2 đơn vị cơ sở miền núi thuộc diện
135 của huyện Triệu Sơn, với tiềm năng có thể mở rộng phát triển chăn nuôi bò
sinh sản. Đầu năm 2013, 40 hộ nông dân tại 2 địa phương này cũng nhận được sự hỗ
trợ của Hội Nông dân tỉnh với tổng trị giá 240 triệu đồng. Sau khi được hỗ trợ
bò giống, cùng với tập huấn công tác thú y và cách khai thác nguồn thức ăn tại
chỗ, các hộ nuôi bò đã nhanh chóng tiếp cận và thay đổi phương thức chăn nuôi
lạc hậu trước đây. Sau 2 năm, số lượng bò giống đã tăng gấp đôi và đang phát
triển tốt.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, công tác hỗ
trợ được lồng ghép vào các ngành sản xuất mang tính thế mạnh dựa trên nền tảng
của khoa học - kỹ thuật nhằm thay đổi tập tục sản xuất của hội viên nông dân
miền núi. Tại 2 xã Thành Tiến và Thành Vân, huyện Thạch Thành, trước đây là vùng
trồng cây rau màu tập trung có tiếng ở địa phương, tuy nhiên hiệu quả kinh tế
chưa cao. Với mục đích xây dựng mô hình để nâng cao thu nhập và nhân rộng nên
các hộ được chọn tham gia là những gia đình hội viên nghèo, có thu nhập thấp.
Ngay sau khi triển khai mô hình, 170 hộ dân tại đây đã được đầu tư 135 triệu
đồng để trồng rau, cùng với kỹ thuật canh tác và đấu mối bao tiêu sản phẩm nên
thu nhập được cải thiện rõ rệt. Từ các hộ ban đầu của mô hình, đến nay đã phát
triển thành một vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, tạo việc làm cho trên 300
lao động.
Bằng các hình thức huy động, đến nay các cấp hội đang quản lý
và sử dụng có hiệu quả 32.040 triệu đồng, đây là nguồn vốn quan trọng giúp xây
dựng hàng ngàn mô hình sản xuất để tuyên truyền cho nông dân thực hiện. Tín chấp
mua chậm trả mỗi năm trên 20.000 tấn phân bón, hàng chục tấn giống lúa, hàng vạn
cây, con các loại, có chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý trị giá trên 100 tỷ đồng.
Qua chương trình này, nông dân nghèo giảm bớt được đáng kể gánh nặng chi phí đầu
tư ban đầu.
Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, các cấp hội đã giúp thoát
nghèo được 64.439 hộ nông dân, tại 5.777 chi hội đều đăng ký giúp thoát nghèo
mỗi năm từ 1 đến 2 hộ. Với mục tiêu liên kết dạy nghề mỗi năm cho 2.000 hội viên
trở lên, tăng cường nguồn quỹ hỗ trợ nông dân cho khu vực miền núi trên 30%
trong tổng số nguồn vốn, 100% hộ hội viên có nhu cầu vay vốn, đủ điều kiện được
vay vốn... sẽ là nguồn lực quan trọng để hội viên nghèo có điều kiện phát triển
sản xuất nâng cao thu nhập một cách lâu dài, bền vững.
Bên cạnh những định hướng, hỗ trợ của các cấp hội, chính
người nông dân các địa phương miền núi cần khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo,
xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại... có như vậy
việc thoát nghèo mới thực sự bền vững.