Trà Bồng: Tích cực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua huyện Trà Bồng đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống...

Giúp nhau vượt khó

Trước đây, gia đình anh Hồ Hùng Cường ở thôn 3, xã Trà Thủy chỉ quanh quẩn với ruộng lúa, rẫy keo, nhưng khi tuyến đường nhựa trước nhà mở ra, anh chị quyết định vay vốn hộ nghèo mở một quán tạp hóa nhỏ để buôn bán. Tuy nguồn thu không lớn, nhưng cũng giúp gia đình anh chị cải thiện cuộc sống. Từ đó, anh chị chủ động xin đăng ký ra khỏi danh sách hộ nghèo trong năm 2014.

Có được quyết định này cũng là một quá trình trăn trở và cân nhắc của vợ chồng anh, bởi khi thoát nghèo, gia đình anh không được hưởng chính sách dành cho hộ nghèo, con cái sẽ không còn một số khoản hỗ trợ khi đi học, gia đình sẽ mất đi các chính sách ưu đãi. Thôn 3, xã Trà Thủy có 161 hộ thì có đến 115 hộ nghèo nhưng sau nhiều năm nhận được sự hỗ trợ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ gia đình như anh Cường đã chủ động xin ra khỏi hộ nghèo.

Anh Hồ Văn Quang cũng nằm trong số những hộ nghèo của xã nhưng sau khi xin ra khỏi hộ nghèo anh đã tìm hiểu, nghiên cứu qua báo, đài cách phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thổ nhưỡng tại địa phương. Đến nay, vườn nhà anh Quang không còn khoảnh đất trống bỏ hoang, chuồng gia súc được xây dựng gọn gàng, vệ sinh; rẫy keo nguyên liệu sau nhà được anh phát, tỉa thường xuyên. Anh Quang chia sẻ: Mình còn trẻ, với lại thấy các mô hình phát triển kinh tế cũng phù hợp nên mình áp dụng ngay. Thoát nghèo rồi thì mình làm gương cho bà con để họ cũng phát triển kinh tế gia đình, chứ bà con mình ỷ lại lắm.

Trong 5 năm qua, công tác giảm nghèo được huyện Trà Bồng triển khai, thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Thông qua các chương trình, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng đầy đủ kịp thời các chính sách của Nhà nước. Đến nay, toàn huyện có 1.874 đối tượng hưởng bảo trợ xã hội; 60.586 đối tượng có thẻ BHYT; gần 1.700 lao động được giải quyết việc làm và 2.500 lao động được đào tạo nghề... Cùng với các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định 78/CP thực sự đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, đã tác động đến cách làm ăn của hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số năm 2010 là 87,5%, nay giảm xuống còn 72,53% (số liệu đến 31.12.2013) theo chuẩn nghèo mới.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Cor

Kinh tế ổn định đã tạo điều kiện cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy theo tinh thần Nghị quyết TƯ 5 (khoá VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Những năm qua, huyện Trà Bồng đã chú trọng công tác truyền dạy cồng chiêng và dân ca truyền thống dân tộc Cor, hỗ trợ trang phục, cồng, chiêng cho các xã đang thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy một số di sản văn hoá dân tộc Cor, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương tham gia phong trào và sinh hoạt văn hoá văn nghệ. Hiện nay, toàn huyện đã có 16 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, 33 đội nghệ thuật cồng chiêng, múa cadhau (9 xã đều có Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, trong đó có 3 xã có Nhà văn hoá, gồm xã Trà Tân, Trà Sơn, Trà Bình).

Nhờ làm tốt công tác giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Cor, người dân trên địa bàn huyện được hưởng thụ văn hóa nhiều hơn, đời sống tinh thần được nâng cao, tính chủ động, sáng tạo của nhân dân bước đầu được phát huy. Đặc biệt, sự tham gia nhiệt tình, đầy tâm huyết của nhân dân vào các hoạt động văn hóa nên việc bảo tồn, phát huy một số di sản văn hoá dân tộc Cor được chú trọng, giúp dân trí ngày càng phát triển, các giá trị văn hóa được tôn vinh và phát huy.

 In bài viết
Văn bản điều hành