Trà Vinh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer
Các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh bước đầu đã giải quyết những khó khăn về đời sống của người dân, bộ mặt các phum, sóc có nhiều thay đổi. Nỗ lực đó góp phần khẳng định các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác dân tộc được triển khai và thực hiện có hiệu quả.
Nỗ lực xóa đói, giảm nghèo
Tỉnh Trà Vinh có hơn một triệu dân, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 30% số dân, là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc Khmer cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Những năm mới thành lập tỉnh (1992), chuyện cứu đói cho đồng bào Khmer trong những tháng giáp hạt là việc làm thường xuyên của các ngành, các cấp ở Trà Vinh. Khi đó, chúng tôi theo đoàn cứu đói của tỉnh đến ấp Giữa, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, nhiều hộ gia đình Khmer sống trong những túp lều không phên vách.
Trước tình hình đó, ngay sau thành lập tỉnh, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ra Nghị quyết 01 về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhằm giúp đồng bào giải quyết cái đói, đi đến bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm. Phần đông đồng bào sống rải rác khắp các huyện, trong phum, sóc, điều kiện vệ sinh môi trường không được bảo đảm. Tỉnh Trà Vinh đã kịp thời đề ra những chính sách thiết thực, thích hợp cho từng giai đoạn, từng ấp, xã, huyện cụ thể, để giúp đồng bào Khmer có việc làm, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Theo số liệu điều tra năm 2000, toàn tỉnh có 46.466 hộ nghèo, đói, chiếm 22,59% số hộ của tỉnh; trong đó đồng bào Khmer chiếm 43,8%. Theo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 135), giai đoạn I (1999 - 2005) tỉnh Trà Vinh có 38 xã, giai đoạn II (2006 - 2010) còn 27 xã. Qua mười năm thực hiện chương trình, Trà Vinh đã triển khai xây dựng gần 600 hạng mục công trình, gồm 317 công trình giao thông thủy lợi, 109 trường học, 15 công trình điện, 30 trạm y tế, 95 chợ..., với tổng số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Ðến nay, hơn 70% diện tích đất trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã được thủy lợi hóa, hơn 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, gần 90% số hộ có điện sử dụng, xóa bỏ tình trạng học ca ba. Hằng năm, số hộ nghèo ở các địa phương của tỉnh giảm 3%, nhưng đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 4%.
Ðồng chí Trần Trung Hiền, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, cho biết: Các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số như một luồng gió mát len lỏi vào từng phum, sóc; làm cơ sở cho đồng bào tiếp cận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhiều mô hình có hiệu quả đã được nhân rộng. Từ đó, không khí lao động trên đồng ruộng nhộn nhịp, đời sống của bà con cũng khởi sắc.
Cuộc sống mới ở phum, sóc
Chúng tôi đi trên quốc lộ 54, rẽ qua đường 25 về các xã Tân Hiệp, Long Hiệp, Ngọc Biên của huyện Trà Cú. So với hơn mười năm trước, hôm nay nơi đây đã có sự đổi thay rất lớn. Ðường về các xã đã được thảm nhựa, cuộc sống của người dân đã thay đổi, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang hơn. Chúng tôi ghé thăm xã Long Hiệp, trước đây được xem là xã nghèo nhất của huyện Trà Cú. Chủ tịch UBND xã Long Hiệp Phạm Minh Tuấn, cho biết: "Long Hiệp là xã vùng sâu, là vùng căn cứ cách mạng, toàn xã có 1.470 hộ, trong đó dân tộc Khmer chiếm 83%. Năm 1999, Long Hiệp được đầu tư vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ, chúng tôi xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phục vụ dân sinh. Qua mười năm, Long Hiệp đã xây dựng gần 30 dự án, gồm: Các trường học, đường giao thông nông thôn, phòng khám bệnh đa khoa khu vực, công trình chợ, công trình san lấp mặt bằng khu dân cư, trạm cấp nước... tổng số vốn gần 12 tỷ đồng. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của phần lớn dân cư, nhất là đồng bào dân tộc Khmer ở Long Hiệp được cải thiện và nâng cao. Mức thu nhập bình quân đầu người ở Long Hiệp năm 1999 là 2,2 triệu đồng/người/năm, thì nay đạt mức hơn 7 triệu đồng/người/năm. Trong mười năm, Long Hiệp đã giảm được hai phần ba số hộ nghèo.
Từ Long Hiệp, chúng tôi đến xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang; cảm nhận về sự đổi thay trong vùng đồng bào Khmer càng rõ ràng hơn. Những ngôi nhà mái tôn, mái ngói không còn là sở hữu riêng của một vài hộ gia đình nơi vùng quê một thời nghèo khó này, mà đã xuất hiện nhiều hơn. Xã Nhị Trường có hơn 2.200 hộ thì số hộ dân tộc Khmer chiếm hơn 80%. Chủ tịch UBND xã Nhị Trường Trần Vân Sơn cho biết: Nguồn vốn Chương trình 135 được đầu tư xây dựng các cây cầu nông thôn, chợ xã và làm đường nhựa. Vốn các chương trình lồng ghép được sử dụng xây dựng đường bê-tông dài hơn 1.200 m (kinh phí nhân dân đóng góp 35%), sửa chữa và xây mới phòng học, làm đường láng nhựa nội ô, xây dựng phòng khám bệnh đa khoa khu vực, xây dựng trạm cấp nước... Tổng kinh phí của các chương trình lồng ghép gần 5,5 tỷ đồng. Toàn xã đã xây dựng hơn 200 căn nhà cho hộ nghèo, hộ Khmer gặp khó khăn về nhà ở. Ðể các hộ nghèo trong xã phát triển sản xuất, Nhị Trường đã tạo điều kiện cho hơn 340 lượt hộ vay vốn với số tiền gần 1,3 tỷ đồng từ các nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo, vốn chăn nuôi... Với sự hỗ trợ từ bên ngoài và bằng sự nỗ lực của toàn Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân, tính bình quân mỗi năm Nhị Trường có 4% số hộ thoát nghèo.
Gia đình anh Thạch Khanh ở ấp Trà Nóc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, trước đây nằm trong diện cứu đói thường xuyên. Năm 2001, anh Khanh được xã đầu tư nuôi hai con bò và học cách trồng nấm rơm, nhờ vậy giúp gia đình vượt qua khó khăn. Anh nói: "Nhờ dành dụm tiền từ trồng nấm rơm, tiền bán bò, tôi đã chuộc lại được sáu công ruộng đã cầm cố. Mấy năm nay có thêm ruộng làm, cuộc sống gia đình bớt khó khăn".
Cần cù, siêng năng lao động sản xuất, là bản tính vốn có của đồng bào dân tộc Khmer. Tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Trà Vinh lần thứ năm, toàn tỉnh có 25.313 hộ nông dân được biểu dương, trong đó số hộ Khmer sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh chiếm hơn 10%, cấp huyện gần 20%, cấp cơ sở gần 30% trong tổng số hộ nói trên.
Mục tiêu của Trà Vinh đến năm 2010 là ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào trong vùng. Phấn đấu không còn hộ tái đói, giảm hộ nghèo xuống khoảng 20% (theo chuẩn nghèo mới), không còn xã đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, có 97% số hộ dân được sử dụng điện và 95% số hộ được sử dụng nước sạch.
Giải pháp lâu dài của tỉnh là đào tạo nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh được thành lập năm 1991, đến nay toàn tỉnh đã có thêm sáu trường phổ thông dân tộc ở các huyện Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần và Duyên Hải. Riêng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh năm học đầu tiên chỉ có 80 học sinh, nay thường xuyên có gần 400 học sinh theo học. Ðến nay, trường đã có hơn 1.200 học sinh tốt nghiệp THPT; hằng năm có hơn 90% số học sinh sau khi tốt nghiệp được vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, số còn lại trở về phục vụ công tác tại địa phương. Ðây là nguồn nhân lực cho việc phát triển lâu dài và bền vững ở tỉnh.
Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Trà Vinh, năm học 2008 - 2009, toàn tỉnh có 50.978 học sinh dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 28,73% tổng số học sinh toàn tỉnh. Việc dạy chữ dân tộc được chú trọng, hiện có 98 trường tổ chức dạy tiếng Khmer, trong đó có bảy trường dân tộc nội trú với hơn 1.000 học sinh THPT và THCS. Tỉnh cũng đang thực hiện thí điểm tại hai trường mẫu giáo triển khai chương trình giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ với gần 100 cháu. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện. Năm 2009, tỉnh Trà Vinh được cấp hơn 108 tỷ đồng thực hiện các chính sách, chương trình, dự án trong dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Bài và ảnh: Đặng Văn Bường
(Theo Báo Nhân dân điện tử)
[TT: N.T.V]