Về Hà Ri ngày hội

Những người lớn tuổi trong làng nhớ lại, sau ngày giải phóng, cấp trên chỉ đạo lập làng mới, nhà được xây dựng san sát như ở phố. Nhưng ở miền núi mà không có vườn thì biết làm gì. Để giúp người dân có điều kiện sản xuất, lãnh đạo xã chủ trương quy hoạch lại làng để làm thế nào vừa có nhà, vừa có vườn trồng cây trái. Hai mươi năm trôi qua cũng là 20 năm người dân Hà Ri có cuộc sống mới.

Để giúp người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, Chi bộ làng Hà Ri xây dựng mô hình tổ đoàn kết. Mỗi ngày tổ đoàn kết tập trung làm cho một hay vài gia đình nào đó, tuỳ theo khối lượng công việc, từ dọn rẫy, trỉa hạt, chăm sóc điều, trồng mía đến thu hoạch. Nhờ đó, vườn điều của nhiều gia đình trước kia bị bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy nay được phát dọn sạch sẽ, điều được chăm sóc chu đáo. Bên cạnh đó, Chi bộ phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ gia đình nghèo, hướng dẫn cho họ cách làm ăn...

Nhờ đó, năng suất cây trồng, vật nuôi nâng lên đáng kể, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Nếu như năm 2003, bình quân thu nhập đạt 3,5 triệu đồng/người thì nay là 5 triệu đồng/người/năm. Nhờ vậy, làng Hà Ri đã có 53 hộ có mức sống khá, trong đó có 5 hộ đạt thu nhập ổn định 50 triệu đồng/năm. Nhiều hộ mua được máy xới, máy cày để phục vụ sản xuất.

Hà Ri hôm nay không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm từ 45 hộ (năm 2008) xuống còn 40 hộ. Đặc biệt, nhờ sự đầu tư của các Chương trình 134 và 135, hệ thống hạ tầng của Hà Ri được nâng cấp khang trang.

Theo ông Bá Thạch, nguyên Bí thư Chi bộ làng Hà Ri: “Bây giờ đời sống của bà con khá lên nhiều rồi, hệ thống hạ tầng của làng được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh như đường giao thông, chợ, hệ thống nước sinh hoạt. Đây chính là nền tảng để đồng bào các dân tộc ở Hà Ri thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.

Theo Xuân Dũng
(Nguồn: kinhtenongthon.com)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành