Vùng cao Bình Thuận đi lên từ Chương trình 135
Sau hơn 4 năm thực hiện, tỉnh Bình Thuận đã có 6/12 xã được công nhận ra khỏi Chương trình 135. Sự nỗ lực của chính quyền và người dân đã làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đặc biệt khó khăn này.
Đi giữa rừng cây xanh thẳm, vượt qua cầu Sông Do, chúng tôi đến xã vùng cao Đông Tiến. Dọc các con đường vào thôn bản thân cây ngô chất đống, hàng đàn bò lai Sind mập ú đang thong thả nhai. Những ngôi nhà ven đường của đồng bào dân tộc K’ho chất đầy những bao ngô vừa mới tuốt hạt.
Anh K’Văn Dung - Chủ tịch UBND xã Đông Tiến- một trong 6 xã của tỉnh Bình Thuận đã thoát khỏi Chương trình 135 giai đoạn 2 cho biết: Những năm qua, nhờ có hệ thống kênh mương và được Nhà nước đầu tư ứng trước giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo chất lượng nên sản xuất nông nghiêp phát triển khá.
Năm 2009, ngoài cây lúa, bà con nơi đây còn sản xuất trên 400 ha cây ngô lai, năng suất bình quân 55 tạ/ha; sản lượng lương thực đạt gần 10.000 tấn. Đông Tiến là xã vùng cao đầu tiên trong tỉnh Bình Thuận tự túc được lương thực từ nhiều năm nay. Đây cũng là nơi thực hiện tốt chương trình cải tạo đàn bò theo hướng lai Sind, hiện đàn bò của xã có gần 1.000 con.
Anh K’Văn Dung cho biết thêm: Trong 4 qua, nông dân đã được Nhà nước đầu tư máy cày, máy phát cỏ, máy tuốt lúa..., tập huấn kỹ thuật trồng lúa nước, từ đó mà bà con làm ăn hiệu quả. Hiện nay, tất cả các phương tiện này đang phát huy hiệu quả, giúp các hộ nghèo từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch.
Cũng như xã Đông Tiến, xã Đông Giang, La Dạ và thôn Dân Hiệp, Kukê, huyện Hàm Thuận Bắc cũng được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2. Hơn 4 năm qua, huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai thực hiện hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, đầu tư máy móc nông nghiệp. Việc này đã giúp cho đồng bào từng bước tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tạo thuận lợi trong việc thu hoạch cũng như bảo quản sản phẩm làm ra, giúp các hộ nghèo giảm chi phí sản xuất.
Ông K’ Văn Thinh – một người dân ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Chương trình 135 của Trung ương đã đầu tư giống bắp lai, giống cao su, máy cày nên việc sản xuất đạt hiệu quả hơn. Mỗi năm, từ việc cạo mũ cao su, gia đình tôi thu được từ 70 – 80 triệu đồng”.
Rời các xã vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc, chúng tôi tìm đến huyện Tánh Linh, nơi có 2 xã và 3 thôn được hỗ trợ từ chương trình 135 giai đoạn 2. Từ trung tâm huyện, chiếc xe băng băng trên con đường trải nhựa đến thẳng Trụ sở UBND xã La Ngâu.
Trước đây, việc đi đến đây gặp nhiều khó khăn do đường xuống cấp, đặc biệt là mùa mưa. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thường thiếu ăn vào mùa giáp hạt, tập quán sản xuất còn lạc hậu, thường hay phá rừng làm rẫy... Nhưng hôm nay, La Ngâu không còn cảnh “nắng bụi mưa lầy”.
Ông K’Brộp – người đã hơn 60 năm sống trên mảnh đất này cho biết: Đời sống của người dân nơi đây tiến triển hơn trước rất nhiều. Bà con không còn phải bám núi trụ rừng như trước đây nữa mà thay vào đó là những mảnh đất đã được cấp quyền sử dụng với những cây điều, ngô lai, lúa nước…
“Từ ngày có chương trình 135, bộ mặt của buôn làng tôi ngày càng khởi sắc. Nhà nước quan tâm xây dựng điện, đường, trường, trạm đến tận buôn làng. Tỉnh, huyện còn đầu tư ứng trước giống bắp lai và giống heo đen cho bà con sản xuất và chăn nuôi, nhờ đó mà người dân nơi đây không còn đói rách như ngày xưa nữa. Chúng tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước”, ông K’Brộp chia sẻ.
Ông Trương Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, tỉnh cho biết, trong chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong 4 năm qua, tỉnh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng và giáo cho các địa phương làm chủ đầu tư thực hiện chươn trình này. Mua giống heo đen cho người dân trực tiếp chăn nuôi hoặc hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây điều, cây cao su, cây bắp, hỗ trợ cho bà con kỹ thuật trồng ca cao dưới tán cây điều.
Cùng với nguồn vốn đầu tư hỗ trợ sản xuất, nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, hơn 4 năm qua, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư 84,48 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng các thôn, xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2.
Đến nay, tất cả các xã đều có đường giao thông đến trung tâm xã và trường, trạm được xây dựng kiên cố. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 96%, số hộ dùng nước sạch đạt trên 85%. Đường giao thông nội đồng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Thu nhập bình quân đầu người từ 1,7 triệu đồng năm 2006 lên 3,6 triệu đồng năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 1.900 hộ, gần 21% so với năm 2006. Với những kết quả đạt được như trên, đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có 6 trong tổng số 12 xã được công nhận ra khỏi chương trình 135.
Ông Đoàn Văn Sáu – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận nhận xét: Chương trình của Chính phủ có tác động rất tích cực, góp phần xóa đói, giảm được nghèo rất nhanh. Cái đói giáp hạt đối với vùng đồng bào dân tộc hiện nay không còn, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, tạo nên diện mạo mới và tạo thêm niềm tin của đồng bào đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy đã có những đổi thay cơ bản nhưng nhìn chung đời sống của đa số đồng bào còn khó khăn, vẫn còn nhiều hộ nghèo theo chuẩn mới, kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ. Bên cạnh đó thiên tai thường đe doạ đến sản xuất của đồng bào, vì vậy nguy cơ tái nghèo là rất cao. Do đó, việc phát huy hiệu quả từ những công trình đã đầu tư là đòi hỏi thiết thực và cần sự quan tâm của các cấp./.
Jasi
(Nguồn: baomoi.com.vn)
[TT: H.T.N]