Vùng cao Lào Cai đổi mới

Năm 2006, Lào Cai còn 98 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II (CT135-ll). Tính đến hết năm 2009, tỉnh đã được đầu tư trên 468 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình. Bên cạnh đó, các xã ĐBKK còn được đầu tư thêm 1.734 tỷ đồng của 25 chương trình, dự án khác. Điện, đường, trường, trạm… được đầu tư, xây mới, nâng cấp; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đại bộ phận đồng bào các dân tộc nơi đây được nâng lên một bước.

Chúng tôi đến Làng Mới, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà khi gia đình anh Bàn Văn Thương, dân tộc Dao đang hoàn thiện nốt những phần việc cuối cùng của ngôi nhà được làm theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Anh Thương vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ tiền làm nhà. Giờ có nhà rồi, mình phải chí thú làm ăn để thoát nghèo thôi!”

Theo ông Vạn Quý Minh, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu: Ngoài việc xây nhà ở cho người nghèo, hàng chục công trình 135 được đầu tư trên địa bàn xã đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn xã vùng cao Cốc Lầu. Có cầu, có đường, việc đi lại của đồng bào dân tộc ở đây thuận tiện hơn trước rất nhiều. Được hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đồng bào đang từng bước tiếp cận cái mới, xóa bỏ dần tập quán canh tác lạc hậu… Số hộ giàu không ngừng tăng lên, tỉ lệ hộ nghèo trong xã giảm mạnh từ 3-4%/năm.

Bắc Hà là một trong ba huyện nghèo của tỉnh Lào Cai nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất của cả nước. Tết Canh Dần 2010, trên 800 hộ được ở nhà mới nhờ chương trình này. Theo ông Ma Seo Vu, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Mòn, điều đáng ghi nhận là những chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Vu cho biết thêm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, xã được đầu tư hạ tầng khang trang, đầy đủ, đường sá đi lại thuận tiện. Cái chính bây giờ là làm thế nào để thoát nghèo. Cấp ủy đảng, chính quyền xã tổ chức họp dân công khai để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, từ đó xem đồng bào có nhu cầu trồng cây gì, nuôi con gì để đề xuất với cấp trên hỗ trợ. Vài năm nay, xã tập trung đầu tư giống lúa lai năng suất cao đưa vào canh tác, hiệu quả thấy rõ. Trước đây khi chưa trồng lúa lai năng suất cao, trên mảnh ruộng ấy chỉ thu hoạch được 2 thồ là nhiều, bây giờ thì thu hoạch cao gấp 3 - 4 lần so với trước.

Còn ở xã Đền Sáng, huyện Bát Xát, khi triển khai Hợp phần hỗ trợ sản xuất của CT135-ll cách đây hơn 3 năm, ông Lý Kin Siểu, Chủ tịch xã lại trở thành người đi tiên phong trong thực hiện mô hình trồng thử nghiệm các loại giống cây trồng mới (ngô lai NK66) để bà con học tập làm theo. Thành công của ông Siểu dẫn đến việc đầu năm 2010, 100% dân trong xã đăng ký đưa giống ngô lai NK66 vào canh tác. Ông Siểu khẳng định, CT135-ll hỗ trợ sản xuất đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống của đồng bào dân tộc trong xã.

Lào Cai có 98 xã ĐBKK thụ hưởng CT135-ll, đến nay có 3 xã đã rút khỏi Chương trình (năm 2008). Qua bốn năm thực hiện Chương trình 135-ll, Trung ương và tỉnh đã đầu tư cho các xã ĐBKK trên 468 tỷ đồng. CT135-ll chính là xương sống, là nòng cột làm thay đổi diện mạo vùng cao Lào Cai. Anh Sùng A Của, Trưởng bản Vĩ Lầu, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát tự tin: “Mấy năm vừa rồi, gia đình mình trồng cả ngô, thóc, thuốc lá, đậu tương, bình quân 1 năm thu được khoảng 20 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trước khi chưa được hỗ trợ kỹ thuật. Năm nay, Nhà nước tiếp tục đầu tư nhiều chương trình, dự án, nhiều loại giống mới thì sẽ khá nhiều hơn thôi!”

Cùng với CT135-ll, 25 chương trình, dự án khác với 1.734 tỷ đã được đầu tư cho Lào Cai, tính bình quân, mỗi xã đã được cấp vốn đầu tư 3,28 tỷ đồng/năm. Cộng cả vốn của CT135-ll, bình quân khoảng 5 tỷ đồng/xã/ năm. Đây là nguồn lực lớn, tạo được “cú hích” góp phần tích cực làm thay đổi cơ bản kinh tế nông nghiệp, nông thôn, miền núi, các xã vùng cao ĐBKK của tỉnh Lào Cai.

Minh Thu
(Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)

 In bài viết
Văn bản điều hành