Xã 135 Vân Sơn: Thoát nghèo nhờ khai thác thế mạnh đồi rừng
Vân Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Sơn Động (Bắc Giang). Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã đã tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phát huy thế mạnh từ trồng rừng, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Nhờ đó đến nay, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt thôn, bản ngày càng đổi mới.
Với 560 hộ, hơn 2.600 khẩu, trong đó dân tộc Dao, Tày... chiếm hơn 90%, nhiều năm trước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Vân Sơn cực kỳ khó khăn, số hộ đói nghèo chiếm tới trên 80%. Làm thế nào để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là nỗi trăn trở của Đảng uỷ và chính quyền xã suốt nhiều năm qua.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã, Nguyễn Trường Sinh bộc bạch: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã chúng tôi được đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn từ các chương trình 134, 135, WB... để xây dựng cơ sở vật chất. Có vốn của Nhà nước nhưng đầu tư vào đâu, làm cái gì trước, cái gì sau lại là vấn đề không đơn giản, bởi xã nghèo nên lĩnh vực nào cũng thấy bức xúc.
Đảng uỷ chúng tôi đã xác định trước hết phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Đảng uỷ xã đã ra nghị quyết chuyên đề dành kinh phí cho xây dựng trường lớp, đồng thời vận động nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho giải phóng mặt bằng, động viên con em tới lớp. Bên cạnh đó, Đảng ủy cũng đã tập trung đầu tư, khai thác thế mạnh từ đồi rừng, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của bà con các dân tộc nơi đây không ngừng được cải thiên.
Tới thăm thôn Khả- nơi có 100% số hộ tham gia trồng rừng, ông Nguyễn Trọng Toàn phấn khởi kể: “Năm 1996, gia đình tôi trồng 6 ha cây keo theo Dự án Việt -Đức. Do trồng xen một số loại cây khác nên số cây keo không nhiều. Tuy vậy vừa qua, Nhà nước cho phép khai thác, tôi cũng bán được 270 triệu đồng”. Còn ông Chu Hồng Cường thì xuýt xoa lấy làm tiếc: “Trước đây Nhà nước vận động trồng cây gây rừng, chúng tôi chỉ tham gia trồng với số lượng ít. Có người gánh cây giống lên đồi trồng còn lén vứt đi cho nhẹ, thậm chí không bóc lớp ni lông bọc bầu cây trước khi lấp hố. Bây giờ mới thấy dại quá! Giá như tôi cứ trồng nhiều cây thì vừa rồi không chỉ thu được 170 triệu đồng từ bán cây mà còn giàu to. Từ số tiền này, tôi đang mua nguyên vật liệu xây nhà và tiếp tục đầu tư mua cây giống, phân bón để trồng”.
Thăm gia đình chị Vi Thị Hạ-một trong những hộ nghèo vừa được Nhà nước hỗ trợ xoá nhà tạm, chị tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn do chồng chết, hai con còn nhỏ, bản thân thì yếu nên phải nhờ vào Nhà nước và bà con trong thôn mới có ngôi nhà xây để ở. Tuy vậy, mấy năm trước, tôi cũng tham gia trồng được một số cây keo, đến nay đã cho thu hoạch. Vừa rồi tôi đã bán được 120 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn sắm được một số vật dụng đắt tiền phục vụ cho cuộc sống. Tôi đang tiếp tục mua cây keo giống để trồng”.
Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, Nguyễn Hoàng Tiến cho chúng tôi biết, toàn xã có tổng diện tích trên 1 nghìn ha đất lâm nghiệp. Với quỹ đất này, Đảng uỷ xã xác định tập trung cao khai thác thế mạnh trồng cây lâm nghiệp và coi đây là một trong 3 chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005-2010. Đến nay, 100% số hộ trong xã đều tham gia trồng cây, gia đình nào trồng ít nhất cũng có 1ha cây. Toàn xã có 40 hộ đã thu hoạch rừng keo thu về từ 70 đến 270 triệu đồng. Xã Vân Sơn hiện đã có gần 800ha rừng trồng theo Dự án Việt-Đức và các chương trình khác.
Không chỉ chú trọng trồng rừng, xã còn quy hoạch đồi cỏ và động viên bà con phát triển đàn trâu, bò, dê và các loại gia cầm. Nhiều gia đình đã phát triển đàn gia súc với số lượng hàng chục con như gia đình anh Đặng Thắng Tú, Đặng Văn Học (dân tộc Dao); Hoàng Văn Thế (dân tộc Tày)... Đến nay, tổng đàn trâu, bò của xã đã phát triển lên tới gần 1 nghìn con. Phương thức chăn nuôi gà đồi đã trở thành phong trào của các hộ dân. Giờ đây, mọi người trong xã đều say mê với việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... Nhờ đó, năng suất cây trồng tăng, góp phần bảo đảm lương thực tại chỗ, đời sống các gia đình được cải thiện đáng kể. Xã không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm nhanh.
Với định hướng đúng, chỉ trong mấy năm qua, từ một xã đặc biệt khó khăn, Vân Sơn đã thoát khỏi đói nghèo và đang từng bước đưa kinh tế-xã hội phát triển bền vững.
Hoàng Dĩnh
(Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)