Xã Bàn Thạch (Kiên Giang): Mức sống người dân tăng gấp đôi
Bàn Thạch là xã vùng sâu của huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có diện tích tự nhiên 2.127ha, diện tích đất nông nghiệp là 399 ha; Toàn xã có 2.420 hộ dân, trong đó dân tộc Khmer chiếm 56,7% (1.364 hộ).
Khi mới thành lập vào năm 2002, Bàn Thạch là xã nghèo nhất của huyện Giồng Riềng. Song, từ khi chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc của Chính phủ triển khai phát huy tác dụng, đem lại sự tin tưởng, giúp đồng bào tự tin nỗ lực vươn lên đưa xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Chương trình 135 đã giúp địa phương xây dựng 8 tuyến đường bê tông, dài 16,27m, ngang 1,5m, tổng kinh phí gần 3,2 tỷ đồng; Chương trình 134 giúp xây dựng 235 căn nhà cho đồng bào nghèo với kinh phí 1,5 tỷ đồng; Triển khai thực hiện Chương trình 74 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm, xã Bàn Thạch đã xét cho 216 hộ dân, trong đó, chuộc lại đất sản xuất cho 24 hộ, mua nền nhà 3 hộ và chuyển đổi ngành nghề 189 hộ; Chương trình 167 đã cất (xây dựng) được 45 căn nhà, mỗi căn trị giá 20 triệu đồng...
Đồng chí Lê Văn Sang, Bí thư Đảng ủy xã Bàn Thạch cho biết: “Khi tiếp nhận các chương trình, chính sách của Chính phủ, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giám sát Chương trình và triển khai đến các đoàn thể xã, ấp và nhân dân, tạo được lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước”. đến nay, 90% số hộ trong xã có phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn; 90% số hộ dân được sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt. Qua đó đã nâng mức thu nhập của người dân từ 5,4 triệu đồng/người/năm (năm 2005) lên 11,2 triệu đồng/người/năm (năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2005, từ 32% (tỷ lệ này trong vùng dân tộc là 40%), nay giảm xuống còn 18% (trong vùng dân tộc là 22%).
Đảng bộ và nhân dân địa phương đã có nhiều động thái tích cực để tự thân nỗ lực vươn lên như phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; phong trào kinh doanh đa canh tổng hợp; xây dựng đời sống mới khu dân cư... Nhờ vậy đến nay, xã nghèo Bàn Thạch đã có 920 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 450 hộ dân tộc Khmer; 250 hộ kinh doanh giỏi mô hình đa canh tổng hợp thì có 95 hộ là người dân tộc.
Đáng mừng hơn, đã có 2 ấp có số đông đồng bào dân tộc liên tục đạt danh hiệu ấp văn hóa trong 3 năm, 2 ấp đạt danh hiệu văn hóa liên tục trong 2 năm và 6 ấp đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến. Đồng chí Danh Thắng, Bí thư Chi bộ ấp Láng Sen cho biết: “Ngoài những chính sách hỗ trợ của cấp trên, người dân ấp chúng tôi đã tự phát huy nội lực để nâng mức sống lên. Thấy nhà này trồng được rau, nuôi heo, nuôi cá thì nhà khác làm theo. Cứ thế nhiều năm qua, bà con dân tộc đã chí thú làm ăn và giảm dần các loại tệ nạn xã hội”.
Đồng chí Danh Quậy, cán bộ ấp Cây Trôm cho biết: “Những con đường, ngôi nhà kiên cố đã mọc lên khắp ấp đã thấy sự đổi thay rồi. Tôi thường nói với bà con, phải cố gắng vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Người ta có thể giúp mình cái bụng không đói, nhưng không thể giúp mình có ăn ngon, mặc đẹp, nhà đẹp được. Ý thức được đều này, giờ đây người dân siêng năng lắm!”.
Khi đến UBND xã, chúng tôi tình cờ gặp chị Phương, ngụ tại ấp Tà Yểm đến xin tạm vắng cho đứa con trai ở trọ để học Trường Đại học Cần Thơ, chị thông báo tin vui: “Mấy đời nay, trong thân tộc tôi không có con được vào đại học, phần vì gia đình nghèo, mặt khác ngại đường đi lại xa mà còn khó khăn. Giờ đường đã được nhựa hóa nối ấp liền với xã, huyện nên con tôi mới có điều kiện học lên đại học”.
LÊ SEN
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển)
[TT: H.T.N]