Xã Cam An về đích xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Cam An đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động được mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trở thành xã đầu tiên của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) về đích xây dựng NTM.

Đồng chí Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Cam An cho biết: “Để cán đích xây dựng NTM, chúng tôi xác định việc huy động sức dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, tránh tư tưởng chạy theo thành tích, xã đưa ra chủ trương dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân tham gia, còn người dân là chủ thể bàn bạc cách làm sao cho hiệu quả, vừa đạt được mục đích đề ra, vừa không huy động quá sức đóng góp của nhân dân. Khi người dân thấy được lợi ích của mình, tư tưởng đã thông thì tạo ra sự đồng thuận rất cao, đưa lại hiệu quả thiết thực”.

Quá trình xây dựng NTM ở Cam An, một trong những khó khăn lớn nhất là quy hoạch lại sản xuất, đưa mồ mả từ đồng ruộng về nơi chôn cất tập trung để lấy đất sản xuất, dồn điền đổi thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân là mục tiêu xuyên suốt, là động lực thúc đẩy xây dựng NTM, UBND xã đã xây dựng và thực hiện đề án di dời mồ mả kết hợp với dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, mở rộng đường giao thông nội đồng.

Theo đó, xã trích ngân sách hỗ trợ 200.000 đồng/ ngôi mộ, tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của các trưởng làng, trưởng họ, người cao tuổi để thực hiện đề án. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay toàn xã đã di dời gần 400 ngôi mộ ra khỏi đồng ruộng ở các thôn Trúc Kinh, Phi Thừa, Cẩm Thạch, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa chỉnh trang nông thôn, mở rộng diện tích sản xuất 5.760m2, đào đắp chiều dài đường nội đồng 1.050m. Đây là cách làm sáng tạo để thực hiện dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới vào đồng ruộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Hiện xã Cam An đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đề án di dời mồ mả ở các thôn còn lại, tiến tới xóa bỏ những hạn chế của việc phân chia đất đai manh mún như trước đây, tích tụ ruộng đất để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, giai đoạn 2011-2015, xã Cam An đã huy động hơn 85 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 53,9%; vốn tín dụng chiếm 31,4%; các HTX, doanh nghiệp hỗ trợ chiếm 3,7%; nhân dân đóng góp chiếm 11%. Từ nguồn vốn huy động được, xã đã ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể của từng thôn, ưu tiên cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo đà phát triển kinh tế- xã hội và tăng mức thụ hưởng trực tiếp của người dân.

Về giao thông nông thôn, trong giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn xã đã xây dựng được 7,4 km đường giao thông với số tiền 5,1 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp 1,08 tỷ đồng và gần 8.000 ngày công. Phong trào hiến đất, hiến cây để làm đường giao thông trong 5 năm qua người dân đã hiến 10.000m2 đất và 8.449 cây các loại. Điển hình trong việc hiến đất, hiến cây xây dựng NTM là người dân các thôn Kim Đâu 1, Kim Đâu 2, Phổ Lại, Trúc Kinh, Mỹ Hòa...

Công tác kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa nâng cấp hồ đập phục vụ sản xuất được chú trọng. Các cơ sở hạ tầng điện, trường học, trạm y tế được đầu tư đạt chuẩn, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và học tập, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường đến nay đã có 98% số hộ có nguồn nước sạch; toàn xã có 5 bể thu gom rác tập trung, 14/14 khu dân cư có tổ thu gom rác thải hoạt động hiệu quả. Môi trường làng nghề truyền thống bún Cẩm Thạch đã được các cấp, các ngành quan tâm lập hồ sơ báo cáo kinh tế- kỹ thuật, nhằm thu gom và xử lý nước thải làng nghề, đồng thời cung cấp bể bioga cho các hộ gia đình chăn nuôi, qua đó làm cho làng nghề đảm bảo tiêu chí môi trường theo quy định.

Các thiết chế văn hóa trên địa bàn của xã đã có nhà văn hóa và sân thể thao; 12/14 khu dân cư có nhà văn hóa thôn chiếm tỷ lệ 85% (có 2 thôn gồm Phổ Lại Phường 10 hộ dùng đình làng và Xuân Khê 19 hộ dùng nhà trưởng thôn để hội họp và sẽ xây dựng nhà văn hóa thôn trong năm nay). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày càng được đẩy mạnh, có11/11 làng và 4/4 trường học được công nhận là làng văn hóa, đơn vị văn hóa. Xã Cam An đã được công nhận xã điển hình văn hóa.

Để nâng cao mức sống cho người dân, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Đảng bộ, chính quyền xã Cam An đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, lao động, mở rộng các mô hình sản xuất. UBND xã phối hợp với Hội Phụ nữ xây dựng đề án trồng hoa gồm 54 hộ tham gia, với diện tích 1,058 ha, tổng kinh phí 188 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 118 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng; phối hợp với Hội Nông dân xây dựng đề án chăn nuôi gà với 70 hộ, tổng số vốn 389 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 90 triệu đồng, nhân dân đóng góp 299 triệu đồng. Năm 2014, UBND xã phối hợp các đoàn thể triển khai đề án trồng cỏ nuôi bò cho hộ nghèo với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước 130 triệu đồng (hỗ trợ bằng 60% tiền bò giống, 50% trồng cỏ); năm 2015 tiếp tục thực hiện đề án này hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo với số vốn 143 triệu đồng. Với lợi thế địa bàn ven đô, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đang phát triển các ngành nghề như cung cấp hàng hóa dịch vụ tổng hợp dọc Quốc lộ 1A, sửa chữa cơ khí, may mặc, xẻ gỗ, dịch vụ ăn uống…, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, ước tính thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Cam An ước đạt 22 triệu đồng/năm.

Theo Chủ tịch UBND xã Cam An Trần Văn Nam, mặc dù đã đạt các tiêu chí về xây dựng NTM, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cam An vẫn tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để nâng cấp các tiêu chí NTM; trong đó chú trọng nâng cấp xây dựng cơ sở vật chất trường học, xử lý môi trường làng nghề bún Cẩm Thạch và nâng cao thu nhập cho người dân, làm cho diện mạo NTM của xã thực sự khởi sắc.

 In bài viết
Văn bản điều hành