Xã đặc biệt khó khăn Bình Tân: Quyết tâm “cai bầu sữa 135” để thoát nghèo

Chương trình 135 giai đoạn II, triển khai ở Bình Tân- xã miền núi đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã và đang phát huy hiệu quả, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con Băh nar. Trong tương lai không xa, Bình Tân sẽ quyết tâm “cai bầu sữa 135” để vươn mình đứng dậy thoát nghèo.

Cách đây vài năm, 45 hộ đồng bào dân tộc Băhnar ở thôn M6, xã Bình Tân chưa bao giờ biết đến ánh điện. Khi gà chưa lên chuồng, cả thôn đã chìm trong bóng đêm. Cuối năm 2006 đầu năm 2007, thôn M6 được Chương trình (CT) 135 đầu tư kinh phí kéo điện về tận từng hộ gia đình; công trình thủy lợi, đường giao thông được đầu tư, xây dựng cùng với một số dự án, chính sách khác như trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân tộc ĐBKK... được triển khai đã từng bước làm “thay da, đổi thịt” đời sống bà con trong thôn buôn.... Đó là lời tâm sự của anh Đinh Hồng Sâm, Bí thư Chi bộ thôn M6.

Tại thôn M6, chúng tôi tình cờ gặp đôi vợ chồng trẻ Đinh Nghiệp (dân tộc Băhnar) đang miệt mài cuốc xới trên mảnh đất vừa được Nhà nước cấp cho từ nguồn vốn CT 134, anh phấn khởi bày tỏ: “Giờ còn mạnh, mình phải cố làm thôi! Nhà cũng đã có ti vi, sắp có xe máy, nhờ cái 135 hết đấy, chứ trước kia sống trong ánh đèn dầu tù mù buồn lắm! Kỹ thuật trồng trọt, anh chị cũng được buôn phổ biến, nhờ vậy mới biết cách chọn giống lúa, giống ngô tốt, trồng đúng thời vụ và bón phân đúng cách...”

Sang thôn Mỹ Thạnh, niềm vui nối tiếp niềm vui khi chúng tôi được ngắm nhìn ruộng ngô xanh mướt của gia đình anh Ánh đang thời kỳ trổ bắp. 100% giống, phân bón của ruộng ngô này được CT 135 giai đoạn II hỗ trợ nên cho bắp to, hạt đều hơn giống ngô địa phương. “Thôn Mỹ Thạch hạ tầng đủ cả rồi, nên bây giờ bà con chỉ cần hỗ trợ thêm kiến thức trồng trọt, phương tiện sản xuất, giống mới thôi.”- anh Anh bộc bạch.

Còn chị Trần Minh Khoa khi được hỏi: Nếu có lớp phổ biến khoa học kỹ thuật, chị có tham gia không? Chẳng ngần ngại chị đáp: “Có chứ, nếu mình không được học thì làm sao biết làm cho năng suất cây trồng cao!”

“Nhờ CT 135 giai đoạn II, xã đã khai thông tuyến đường từ trung tâm xã đến tận M6; hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ.... tương đối hoàn chỉnh; đời sống nhân dân ngày một nâng cao, tất cả học sinh trong độ tuổi được đến trường; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống hằng năm; an sinh xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, mọi người dân trong xã đều được hưởng lợi từ CT. Bây giờ nhân dân Bình Tân phấn khởi làm ăn, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước...”- anh Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho biết.

Mặc dù đời sống bà con Bình Tân đã có bước chuyển mình rõ rệt nhưng Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thành vẫn băn khoăn, trăn trở bởi nhiều hộ dân mới vươn lên thoát nghèo nhưng chưa thật bền vững, trình độ dân trí của bà con trong xã vẫn còn thấp so với mặt bằng của tỉnh. Về cơ sở hạ tầng, vẫn còn khoảng 15km đường liên thôn chưa làm xong, điện kéo đến một số thôn mới chỉ đủ phục vụ thắp sáng, hệ thống tưới tiêu tại đồng Đồn (thôn M6) chưa đủ nước tưới cho 20 ha đất canh tác...

Tâm trạng buồn vui của Chủ tịch xã cũng là tâm trạng chung của bà con Bình Tân trong quá trình nỗ lực vươn lên hoàn thành các mục tiêu của CT 135 để đưa xã bước ra khỏi diện xã ĐBKK vào năm 2009.

Như Thọ
(Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)

 In bài viết
Văn bản điều hành