Xã Thanh Vân khắc phục khó khăn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Về xã Thanh Vân (Quản Bạ) khi bóng chiều đã đổ dài sau những dãy núi trùng điệp. Trái ngược với hình dung ban đầu về sự heo hút ở một trạm y tế vùng cao, Trạm Y tế xã Thanh Vân vẫn nhộn nhịp người đi lại, thấp thoáng là những bóng áo bờ-lu của nhân viên y tế lẫn trong sắc mầu áo quần truyền thống của các dân tộc vùng cao.

Mặc dù đang bận thăm khám bệnh nhân, Trưởng trạm Y tế xã Ma Thị Hựu vẫn vui vẻ tiếp chuyện: “Ý thức của người dân trên địa bàn về bệnh tật đang dần được cải thiện, khi đau ốm đều đến trạm y tế để khám và xin thuốc chứ không còn cúng ma chay như trước đây. Vì sức khỏe của bà con dân bản nên chúng tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Toàn xã Thanh Vân có 7 thôn, 958 hộ với trên 90% đồng bào Mông sinh sống. Chủng loại bệnh tật ở vùng núi cũng có nhiều điểm khác so với vùng thấp, các dịch bệnh chủ yếu như: sốt rét, thương hàn, các bệnh ngoài da... Bên cạnh đó, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế do còn ảnh hưởng của nhiều thói quen, tập tục lạc hậu từ bao đời nay. Để thay đổi tư duy, nhận thức, Trạm Y tế xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ nhân dân với nhiều hình thức như thông qua các chiến dịch truyền thông, qua các cuộc trao đổi, họp thôn, hệ thống pa nô, áp phích, trên loa truyền thanh xã bằng nhiều thứ tiếng... Với các nội dung chủ yếu như vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chống tệ nạn xã hội..., qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ, phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm... được quần chúng nhân dân đồng tình thực hiện. Theo đó, nhiều năm gần đây không có dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm nhiều so với trước. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, các chương trình y tế cộng đồng luôn được Trạm triển khai hiệu quả: Hàng năm, số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng được tiêm phòng đạt từ 85%, tiêm phòng uốn ván cho bà mẹ mang thai đều đạt trên 95%; công tác y tế dự phòng được thực hiện tốt. Các chương trình phòng, chống lao, bướu cổ, HIV/AIDS... được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về căn nguyên bệnh tật.

Đối với một xã vùng cao, khi điều kiện phát triển kinh tế -xã hội còn hạn chế, đời sống của bà con dân bản còn gặp nhiều khó khăn, những kết quả ban đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mà trạm y tế xã Thanh Vân đạt được là nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế trên địa bàn. Trong năm qua, trạm đã tiến hành khám bệnh cho 4.192 lượt người, điều trị ngoại trú 2.547 lượt trường hợp, chuyển tuyến 232 trường hợp. Ðể làm được điều đó là cả một quá trình kiên trì để đồng bào thay đổi cách nghĩ đến Trạm khám, chữa bệnh. Nhưng khó khăn nhất đối với những thầy thuốc của Trạm hiện nay là việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận động những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai... gặp nhiều trở ngại, do phong tục, tập quán, địa hình phức tạp nên có những trường hợp vẫn sinh con tại nhà, gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe sau sinh.

Những kết quả đã đạt được sẽ là tiền đề để xã Thanh Vân thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời gian tới, góp phần tạo đời sống ổn định cho nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hộicủa địa phương.

( Theo baohagiang.vn)

[TT: LPM]

 In bài viết
Văn bản điều hành