Xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi, rẻo cao: Cuộc "leo núi"gian khó

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chương trình quan trọng nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo của các vùng quê. Tuy nhiên, với các tiêu chí XDNTM như hiện nay thì khi áp dụng vào thực tiễn ở các xã miền núi, rẻo cao trên địa bàn tỉnh ta lại là chuyện không hề dễ dàng, giống như một cuộc leo núi đầy gian khổ, càng leo càng thấy khó.

Nan giải bài toán giao thông

Các xã miền núi, rẻo cao trên địa bàn tỉnh ta có địa hình hết sức phức tạp, phần lớn là vùng đồi núi có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi hệ thống khe suối dày đặc và các thung lũng nhỏ, hẹp. Dân cư sinh sống phân tán, không tập trung, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển. Đây chính là những rào cản đáng ngại trên lộ trình XDNTM đặc biệt là với tiêu chí giao thông nông thôn. Hiện tại cả 64 xã miền núi, rẻo cao trên toàn tỉnh ta chưa có xã nào hoàn thành tiêu chí này và theo đánh giá của nhiều địa phương thì rất có thể đây là “cửa ải” khó vượt qua.

Ông Cao Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) cho biết: Qua gần 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, chính quyền xã đã nỗ lực huy động sức dân, mọi nguồn lực, kinh phí hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí đường giao thông nhưng xem ra vẫn “chưa ăn thua” bởi cho đến nay, Lâm Hóa chỉ mới bê tông, cứng hóa được 1,9/29,4 km đường giao thông.

Đặc biệt xã có 3 bản dân tộc thiểu số là bản Chuối, Kè, Cáo giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là bản Kè. Bị chia cắt bởi một nhánh của sông Gianh nên dân bản Kè hàng ngày phải đi lại, thông thương với các vùng lân cận bằng đò. Hiện tại để đầu tư khai thông, mở rộng đường đi ở đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn chứ đừng nói đến chuyện bê tông, cứng hóa các tuyến đường nội bản.

Xã miền núi Trọng Hóa (Minh Hóa) cũng đang gặp vô vàn trở ngại khi cố gắng “chuẩn hóa” đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới. Cũng giống như Lâm Hóa, Trọng Hóa có địa hình không bằng phẳng, vùng bán sơn địa lộ rõ với hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, cộng thêm những khó khăn trong công tác huy động vốn từ phía người dân nên tiến độ hoàn thành tiêu chí giao thông của địa phương vẫn bị “cầm chừng”.

Ông Đinh Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã tâm sự: Xã nghèo quá, cũng chẳng dám đòi hỏi gì đâu. Khi biết được XDNTM bà con mừng lắm, hồ hởi lắm. Bảo tham gia, làm gì cũng nhiệt tình ủng hộ. Nhưng với mức thu nhập bình quân mỗi năm chỉ đạt vài triệu đồng thì bà con cũng chỉ ủng hộ được về tinh thần, còn vốn đối ứng chỉ là công sức bà con và một số diện tích đất khi có công trình được triển khai. Vì vậy, có lẽ đến hết năm 2020 xã vẫn chưa thể hoàn thành tiêu chí giao thông nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước!.

Tương tự, nhiều xã miền núi, rẻo cao khác trên địa bàn tỉnh ta cũng đang gặp vướng mắc với tiêu chí thứ 2 này. Tỷ lệ số ki lô mét đường được bê tông, cứng hóa và tổng số ki lô mét đường giao thông của các địa phương có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể Quảng Thạch (Quảng Trạch) là 11,893/89,243 km, Hưng Trạch (Bố Trạch) là 78,878/111,777km, Sơn Trạch (Bố Trạch) là 10,6/38,51km, Lâm Thủy (Lệ Thủy) trừ 25km đường Hồ Chí Minh và 5km đường 10 là 15/76,5 km... Điều này đồng nghĩa với việc để đạt chuẩn theo tiêu chí XDNTM thì các xã phải tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp một con số không nhỏ ki lô mét đường giao thông còn lại. Ông Hồ Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vốn dĩ tiêu chí giao thông nông thôn là một nút thắt khó gỡ trên lộ trình XDNTM của các địa phương trong tỉnh. Đối với các xã miền núi, rẻo cao, tiêu chí này lại càng “hóc búa” hơn.

Tại nhiều địa phương như Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), Ngân Thủy, Lâm Thủy (Lệ Thủy), Lâm Hóa, Thanh Hóa (Tuyên Hóa), Trường Sơn (Quảng Ninh)... do những cản trở về địa hình, phân bố dân cư và khả năng tài chính nên chính quyền địa phương chỉ có thể dựa vào nguồn vốn từ Chương trình 135 để hoàn thành việc bê tông, cứng hóa các tuyến đường liên xã. Còn việc kiên cố hóa các tuyến đường liên thôn, nội thôn, nội xóm vẫn luôn nằm ở thì “tương lai xa”.

Cuộc leo dốc-càng leo... càng khó

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại hầu hết các xã miền núi, rẻo cao đã được phê duyệt đề án và thông qua đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, các xã chỉ hoàn thành 1-5 tiêu chí, trong đó chủ yếu là những tiêu chí đã có từ trước như an ninh trật tự, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, y tế... Với những khó khăn chồng chất, nhiều xã xác định chặng đường XDNTM của địa phương sẽ không thể chạm được đích đến. Và thực chất bài toán về XDNTM ở xã miền núi, vùng cao tỉnh ta hiện đang chưa tìm ra lời giải.

Với 97,44% lao động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư và 86,53% hộ nghèo, Trọng Hóa đang gặp vô vàn khó khăn khi phấn đấu đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới. Hiện tại xã chỉ đạt được hai tiêu chí là hệ thống tổ chức chính trị và an ninh trật tự. Bên cạnh tiêu chí giao thông nông thôn, cơ cấu lao động, thu nhập và hộ nghèo cũng được đánh giá là những “cửa ải” Trọng Hóa khó vượt qua.

Toàn xã chỉ có vẻn vẹn 2,5 ha lúa nước mới đưa vào trồng thí điểm, còn lại là 80 ha lúa rẫy. Địa hình dốc, đất đai khô cằn nên năng suất, sản lượng vẫn còn thấp. Do đó việc bảo đảm an ninh lương thực đối với xã còn khó chứ đừng nói đến chuyện đưa thu nhập ngang mức đạt chuẩn. Khi TTCN chậm tiến, cơ cấu ngành nghề nghèo nàn, đất sản xuất khan hiếm, cuộc sống của người dân vẫn còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn thì việc kéo giãn lực lượng lao động địa phương ra khỏi lĩnh vực nông-lâm-ngư và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5% gần như là không thể đối với Trọng Hóa.

Cùng chung tình trạng với Trọng Hóa, xã Quảng Thạch cũng đang nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ hoàn thành tiêu chí cơ cấu lao động, thu nhập và hộ nghèo đúng thời gian dự kiến nhưng xem chừng rất khó để đạt được. Ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết: “Xuất phát điểm thấp, đất sản xuất ít, kinh tế chưa được đầu tư phát triển đồng bộ, trình độ dân trí còn hạn chế nên với 56% hộ nghèo, hơn 90% lao động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư và với mức thu nhập 4,8 triệu đồng/người/năm, hiện tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi cố gắng tăng, giảm các tiêu chí theo tiêu chuẩn của một xã nông thôn mới. Có lẽ đến hết năm 2020, Quảng Thạch vẫn chưa thể hoàn thành được các tiêu chí này”.

Tiêu chí môi trường cũng đang là “nút thắt khó gỡ” đối với các xã miền núi, vùng cao tỉnh ta. Chưa tính đến tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch trong sinh hoạt chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhức nhối thực trạng rác thải nông thôn, việc xây dựng các nghĩa trang theo quy hoạch cũng đang “làm khó” chính quyền các xã. Địa hình dốc, đồi núi, sông suối đan xen, quỹ đất hạn hẹp cộng với yếu tố tâm linh, khan hiếm nguồn vốn là những nguyên nhân chủ yếu khiến các địa phương gặp vướng mắc trong việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang đạt chuẩn.

Đơn cử như trường hợp xã Sơn Trạch (Bố Trạch). Cả xã có 10 thôn bản nhưng lại có đến 12 nghĩa trang nhân dân và 1 nghĩa trang liệt sỹ (trong khi đó tiêu chí 17 lại đặt ra yêu cầu mỗi xã chỉ có nhiều nhất là từ 2 đến 3 nghĩa trang). Có thôn có đến 2 nghĩa trang như thôn Trằm Mé, Hà Lời, Xuân Sơn. Giải thích thực trạng này, ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sơn Trạch bao gồm cả người lương và công giáo, trong đó công giáo chiếm 42%. Do tâm lý muốn có nghĩa trang riêng của dòng họ, họ giáo khiến nhiều người “ngó lơ” với những nỗ lực vận động của chính quyền địa phương.

Đối với Sơn Trạch đây thực sự là một trong những tiêu chí rất khó đạt. Tương tự là trường hợp của xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch). Vướng mắc địa phương đang gặp phải khi quy hoạch xây dựng nghĩa trang ngoài vấn đề địa hình, vốn đầu tư và yếu tố tâm linh thì nguồn quỹ đất cũng đang khiến lãnh đạo xã loay hoay không tìm được hướng giải quyết. Với 5 nghĩa trang/ 7 thôn, Cảnh Hóa phải cần đến 10,33 ha đất mới đủ để xây dựng các nghĩa trang tập trung. Trong khi đó, quỹ đất của xã rất hạn hẹp lại phải chia đều cho nhiều nhu cầu khác như nhà ở dân cư, sản xuất, kinh doanh... Do đó, loay hoay mãi Cảnh Hóa vẫn không “gỡ” được “nút thắt” này.

Ngoài ra, nhiều tiêu chí khác như chợ nông thôn, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa... cũng đang “làm khó” chính quyền các xã miền núi, rẻo cao tỉnh ta khi muốn đẩy nhanh lộ trình XDNTM. Và với quá nhiều “chướng ngại vật” như thế, việc bảo đảm lộ trình hoàn thành đúng thời gian dự định gần như là không thể. Do đó, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, thì Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư kịp thời và có những nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí để sát thực hơn với những khu vực vùng núi, rẻo cao đặc biệt khó khăn.

( Theo baoquangbinh.vn)

[TT: LPM]

 In bài viết
Văn bản điều hành