Xây dựng nông thôn mới ở Hành Minh: "Việc dễ làm trước"

Năm 2011 xã Hành Minh được tỉnh chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015. Phát huy thế mạnh của mình, xã Hành Minh đã chọn khâu đột phá là phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để xây dựng NTM và đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Sau khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã Hành Minh đã tập trung chỉ đạo cấp ủy và các đoàn thể trong xã chủ động xây dựng đề án, trọng tâm trong 3 năm đầu là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong đó phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được chọn làm khâu đột phá với phương châm “việc dễ làm trước, việc khó làm sau”.

Xã đã tranh thủ nguồn vốn của tỉnh, huyện, đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân là chủ thể của Chương trình xây dựng NTM để từ đó người dân tích cực tham gia vào phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. UBND xã phân công cán bộ xã đứng cánh từng địa bàn cụ thể, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của nhân dân, phản ánh với Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã kịp thời giải quyết, nên việc triển khai thực hiện có nhiều thuận lợi. Nhờ vậy, qua hơn 3 năm xây dựng NTM, xã Hành Minh đã thực hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất đem lại hiệu quả cao.

Trong đó nổi bật là mô hình sản xuất mía bằng giống K83-29. Kết quả năng suất đạt 90-100 tấn/ha, tăng 30 tấn/ha so với giống mía địa phương. Đến nay, mô hình này được nhân dân trong xã nhân rộng lên tới 75ha. Hay như mô hình sản xuất giống lúa lai Syn 6 ở cánh đồng thôn Tình Phú Bắc cho năng suất 80 tạ/ha, tăng 15 tạ/ha so với giống lúa thuần và tăng 18 triệu đồng/ha cho người sản xuất...

Để đáp ứng khâu làm đất kịp thời vụ sản xuất cho người trồng lúa trên tất cả các xứ đồng trong xã, Ban quản lý xây dựng NTM của xã đã hỗ trợ 80% giá trị của 8 máy băm đất cho 8 hộ gia đình trong xã. Nhờ vậy, hiện nay xã đã chủ động hoàn toàn khâu làm đất, đảm bảo kịp thời vụ cho người sản xuất lúa. Qua đó tiết kiệm được 400 nghìn đồng/ha so với trước đây và đã đem lại hiệu quả khoảng 80 triệu đồng/vụ sản xuất.

Cùng với trồng trọt, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã còn chỉ đạo quy hoạch khu chăn nuôi tập trung với diện tích 6ha. Hiện đang triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi heo tập trung với diện tích hơn 2 ha. Dự kiến tổng đàn heo nuôi trong một chu kỳ là 3.000 con, lợi nhuận đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho 15 lao động.

Nhằm tạo bước chuyển biến trong xây dựng NTM, Ban chỉ đạo NTM của xã đã tập trung chỉ đạo phát triển tiểu thủ công nghiệp, để qua đó tạo công ăn việc làm ổn định cho nhân dân. Khu tiểu thủ công nghiệp Giông Tranh-Hố Vịt rộng hơn 10 ha đã được quy hoạch, hiện đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Trong đó đáng chú ý là Công ty TNHH Phú Điền đã đầu tư hoàn thành, đưa vào hoạt động Nhà máy Gạch Tuy-nel, với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 50 triệu viên/năm này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương, tạo việc làm cho khoảng hơn 100 lao động địa phương, với mức lương khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn và đời sống của nhân dân trong xã đã từng bước phát triển một cách rõ rệt. Nhà cửa nhân dân được chỉnh trang, giao thông đi lại thuận lợi. Phương án hỗ trợ phát triển sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 8 triệu đồng/người (năm 2011) lên 13,5 triệu đồng/người (năm 2013) và dự kiến đến cuối năm 2014 thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 15 triệu đồng/người/năm.

Ông Đào Tấn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Hành Minh cho biết: Mặc dù đã có những chuyển biến, nhưng đến nay xã còn 5-6 tiêu chí chưa đạt chuẩn. Thế nên ngoài nỗ lực của xã, Nhà nước cần quan tâm nâng mức hỗ trợ, đầu tư vào nông thôn để thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững.

 In bài viết
Văn bản điều hành