Xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh
Qua năm năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Tây Ninh đã thay da đổi thịt, một sức sống mới được khơi lên từ sự chung sức, đồng lòng của người dân.
Dựa vào dân
Là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ,
không có nguồn lực dồi dào như nhiều địa phương khác trong vùng, vì vậy, ngay
khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban Chỉ đạo xây dựng NTM
tỉnh Tây Ninh đã xác định: Nguồn lực quan trọng để xây dựng chương trình này là
“sức dân”, sự đồng lòng của nhân dân mới là yếu tố quyết định đến sự thành công
của phong trào. Và để nhân dân đồng lòng tham gia, các cấp ủy, ngành, địa phương
ở từng cấp đã cùng vào cuộc, triển khai phát hành 36.000 quyển sổ tay hỏi, đáp
và 90.500 tờ rơi làm tài liệu học tập, tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ về NTM.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh (TP Tây Ninh) Hoàng Thị Thu Hiền
cho biết: Là một xã thuần nông cho nên việc huy động các nguồn lực là một trở
ngại rất lớn đối với cấp ủy và chính quyền địa phương nơi đây. Vì vậy, trong quá
trình thực hiện, Đảng ủy, ủy ban, cán bộ phụ trách đã đi đến tận từng hộ gia
đình để vận động, giải thích ý nghĩa của phong trào xây dựng NTM để mọi người
hiểu và ủng hộ. Vượt qua được thử thách khó nhất, Bình Minh đã nhanh chóng hoàn
thành 19 tiêu chí chỉ sau ba năm thực hiện. Trong sự thành công đó, nguồn kinh
phí huy động từ sức dân đạt hơn 7,2 tỷ đồng, ngoài ra, nhân dân còn đóng góp
hàng nghìn ngày công để chung sức thay đổi diện mạo của xã. Nhờ làm tốt công tác
sức dân, trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã huy động gần 1.800 tỷ đồng
từ việc huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các thành phần kinh tế
khác để chung tay xây dựng NTM. Tiêu biểu như gia đình ông Đặng Hữu Nghĩa (xã
Trường Hòa, huyện Hòa Thành) giúp 8,1 tỷ đồng xây trường mầm non, ông Vũ Văn
Thiều góp 7,3 tỷ đồng xây dựng hạ tầng tại huyện Tân Châu; ông Trần Phong Ảnh
ủng hộ 670 triệu đồng xây cầu nông thôn tại xã Trà Vong (huyện Tân Biên); ông Lý
Văn Ẩn ủng hộ 500 triệu đồng làm đường tại xã Hiệp Tân (huyện Hòa Thành)…
Những con số ấn tượng
Nếu như năm 2011, Tây Ninh bắt đầu triển khai xây dựng NTM tại
80 xã trên toàn tỉnh, chỉ có một xã đạt bảy tiêu chí, có đến 69 xã đạt dưới năm
tiêu chí, thì đến nay đã có 76 xã xây dựng, nâng cấp hơn 613 km đường giao thông
nông thôn; kiên cố hóa và nạo vét 41,25 km kênh mương tưới, tiêu. Sửa chữa và
lắp đặt mới 103,2 km đường dây trung thế, 218 km đường dây hạ thế góp phần “thắp
sáng đường quê”.
Phát triển giáo dục, y tế, tại 17 xã điểm cũng đạt nhiều kết
quả quan trọng. Hiện, 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ
lệ phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc trung học cơ
sở tiếp tục học trung học phổ thông và trung cấp nghề đạt 82%. Có 36 xã (45%)
đạt tiêu chí, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%. Trong khi đó, 100% xã cũng đã
có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 77 trạm y tế xã được xây mới; tất cả các trạm y
tế đáp ứng được nhu cầu hoạt động, phục vụ nhân dân.
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới,
nhiều người dân Tây Ninh đã sáng tạo những mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô
hình chăn nuôi kỳ đà kết hợp gà thả vườn; nuôi giống gà nòi lai Cao Lãnh lấy
thịt; nuôi rắn mối; cá cảnh; nuôi chim trĩ đỏ; nuôi rắn kết hợp nuôi ếch... Gần
đây, người dân còn được hỗ trợ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng mía, trồng
sắn cao sản cho năng suất và chất lượng cao. Điển hình như mô hình chăn nuôi heo
kết hợp nuôi cá trên diện tích hơn hai ha của anh Tạ Hoàng Thạch, ở xã Phước
Ninh, huyện Dương Minh Châu. Nhờ chăm sóc tốt cho nên mỗi năm, trang trại của
anh cho thu nhập hơn ba tỷ đồng .
Và những mục tiêu cụ thể
Thực tế cho thấy, qua năm năm triển khai, phong trào xây dựng
NTM ở Tây Ninh vẫn còn gặp nhiều vướng mắc cần sớm khắc phục. Bất cập rõ nhất là
trong việc phân bổ nguồn vốn, chưa hợp lý, chủ yếu tập trung cho xã điểm cho nên
nhiều xã khác rơi vào tình trạng “đói” vốn hoặc phải chờ. Trong năm 2015, có 28
xã không tăng thêm tiêu chí đều là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó
khăn. Nhiều xã hiện cũng rơi vào tình trạng khó hoàn thành ở những chỉ tiêu như:
Giao thông, trường học, thu nhập và tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ người dân
tham gia bảo hiểm y tế… Nhiều xã cũng chưa có giải pháp hiệu quả để vận động
người dân tham gia BHYT.
Một số huyện vận động xã hội hóa để hỗ trợ người dân mua thẻ
BHYT, nhưng đây không phải là giải pháp áp dụng lâu dài, tỷ lệ người dân tham
gia BHYT của các xã chỉ đạt yêu cầu tối thiểu của tiêu chí (70%), chưa đạt yêu
cầu của lộ trình BHYT toàn dân trong năm 2015 (80%). Ngoài ra, việc thiếu cơ chế
gắn kết thống nhất và hiệu quả để lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự
án kinh tế - xã hội trên một địa bàn, giữa hoạt động tín dụng với hoạt động
khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ… của các
tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội… cũng gây
những tác động nhất định đến quá trình xây dựng NTM.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong giai đoạn 2016 –
2020, tỉnh Tây Ninh tiếp tục đề ra những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu có 40 xã
(50%) và ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 15 tiêu chí/xã,
không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; có 56 xã (70%) đạt chuẩn về giao thông nông
thôn; có 60 xã (75%) đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa;…
Để hoàn thành mục tiêu này, Ban chỉ đạo xây dựng NTM để ra
những giải pháp như: Đổi mới công tác triển khai chương trình phù hợp tiến trình
phát triển, nhất là huy động nhân dân tham gia nhiều hơn nữa vào công tác xây
dựng. Đề cao và đẩy mạnh việc tuyên truyền đến tận từng hộ dân; Nâng cao chất
lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn
mới, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và yêu cầu tái cơ cấu ngành nông
nghiệp. Chú trọng phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã gắn với
hoạt động phát triển sản xuất, văn hóa, đời sống tinh thần của người dân; hoạt
động bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.