Xây dựng nông thôn mới tại các huyện miền núi cần có cơ chế đặc thù
Qua gần 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM),vùng nông thôn của tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, đời sống của người dân từng bước được nâng cao... Tuy nhiên, tại các địa phương vùng miền núi, việc XDNTM vẫn là bài toán khó. Đặc biệt có 4 huyện: Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. Vì vậy, rất cần có cơ chế đặc thù cho các địa phương đặc biệt khó khăn.
Trong những năm gần đây, bên cạnh nguồn vốn từ Chương trình
mục tiêu quốc gia XDNTM của Trung ương, tỉnh hỗ trợ, huyện Lang Chánh đã lồng
ghép thêm với các nguồn vốn khác từ Chương trình 30a, Chương trình 135/CP... để
đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy
nhiên, do xuất phát điểm kinh tế - xã hội của các xã thấp nên mặc dù ưu tiên cho
công tác hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của người dân tại
nhiều xã còn ở mức hơn 30%. Do số hộ nghèo cao, việc huy động các nguồn lực
trong dân không thể thực hiện được, đã khiến việc thực hiện các tiêu chí về hạ
tầng của các xã gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ
tầng, xây dựng các công trình thiết yếu cũng đang là bài toán khó. Tính đến
tháng 10-2016, bình quân toàn huyện Lang Chánh mới đạt 7,5 tiêu chí, trong đó
mới có 1 xã đạt 15 tiêu chí, 1 xã đạt 11 tiêu chí.
Mường Lát cũng là huyện “trắng” xã NTM. Thực tế trong quá
trình triển khai thực hiện XDNTM ở huyện Mường Lát cho thấy cần phải huy động
nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó,
nhiều chương trình, dự án quy định đóng góp của cộng đồng dân cư là 10%, nguồn
vốn nhân dân đóng góp hầu như không có mà chủ yếu đóng góp ngày công lao động và
hiến đất. Từ năm 2011 đến tháng 10-2016, huyện Mường Lát đã huy động được gần
200 tỷ đồng thực hiện chương trình XDNTM; trong đó ngân sách tỉnh hơn 80 tỷ
đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án gần 110 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp
800 triệu đồng... Từ nguồn vốn này, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đã
được đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch. Tính đến hết tháng 10-2016, Mường Lát mới
chỉ có xã Mường Chanh đạt 8 tiêu chí NTM; 4 xã đạt 4 tiêu chí và 3 xã đạt 3 tiêu
chí.
Nguyên nhân tại một số huyện miền núi cao vẫn “trắng” xã NTM
và các tiêu chí đạt khá thấp là do nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho việc thực
hiện lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác chưa được nhiều. Bên
cạnh đó, tâm lý trông chờ, thụ động của một bộ phận người dân ảnh hưởng không
nhỏ đến việc triển khai thực hiện. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn không
nhiều, quy mô nhỏ, nên khả năng thu hút lao động, tạo nguồn thu ngân sách không
cao, việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân không dễ. Mặc dù được
người dân đồng tình chung tay XDNTM, nhưng sự đóng góp bằng vật chất là rất khó,
trong khi đó nhiều tiêu chí XDNTM cần phải có sự đầu tư kinh phí lớn mới hoàn
thành được, như: Giao thông, nhà văn hóa cộng đồng, thủy lợi. Biết rằng, thời
gian qua, có những thôn, bản ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã đồng tình
đóng góp sức người, sức của để đổ bê tông đường giao thông thôn bản, song con số
đó chưa nhiều.
Từ những khó khăn của các xã miền núi vẫn còn “trắng” xã NTM,
vấn đề đặt ra hiện nay là Nhà nước cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển sản
xuất cho phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân. Tăng cường hỗ trợ giống
cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung;
phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại. Cần có chính sách hỗ trợ về vốn, nâng
cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các HTX, tổ hợp tác, mô hình tổ chức sản
xuất mới để hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa và miền núi trong chuỗi giá
trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông, lâm sản.