Cuộc sống đổi thay từ những con đường
Trong một lần về xã Nhân Lý (Chi Lăng) công tác, Chủ tịch UBND xã Hoàng Cao Trí, nhiệt tình mời tôi đến thăm thôn Khum Khuông, một thôn khó khăn nhất của xã, nơi đây 100% dân số là bà con dân tộc Nùng, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền huyện: 72 triệu đồng cộng với 33 hộ dân trong thôn, mỗi hộ góp 1,2 triệu đồng, cùng với hơn 1.320 ngày công lao động... đã tự xẻ núi mở đường. Các hộ dân đều tự nguyện hiến đất để mở đường. Con đường dài gần năm km nay đã hoàn thành, xe ô-tô chở hàng hóa đã về đến tận thôn, bà con vui lắm... mà tổng đầu tư mở đường mới hết có hơn 181 triệu đồng, thật là một kỳ công, nay huyện đang rút kinh nghiệm nhân lên thành mô hình điểm. Tôi thật sự sửng sốt, vì ba năm trước đây, muốn đến thôn Khum Khuông, phải đi bộ, trèo đèo lội suối mất khoảng 5 giờ đồng hồ mới đến. Nay từ quốc lộ 1A, theo con đường mới mở đi xe máy chỉ mất hơn 30 phút. Nhiều đoạn dốc như dựng đứng, một bên là vực thẳm hun hút, chiếc xe cứ phải bò lên, có cảm giác là nếu xe chết máy thì chỉ có lăn xuống vực sâu. Ngồi trên xe không dám nhìn lại sau lưng. Nếu vào ngày mưa gió thì chỉ có thể đi bộ mới về đến được Khum Khuông.
Vượt hết đoạn dốc rồi lại tụt xuống chân núi là đến thôn Khum Khuông, lác đác ven chân núi, thấp thoáng những ngôi nhà lợp bằng ngói âm dương đen sẫm. Bà con dân tộc Nùng thường làm nhà giữa lưng chừng núi, còn dưới chân núi là những đám ruộng bậc thang, chạy theo chân núi để hứng lấy ngọn suối đưa nước về đồng ruộng. Ðã gần trưa, nhưng cả thôn vẫn vắng lặng như tờ, không gian ở đây yên ắng quá, chỉ cần một tiếng hú là vang vọng khắp bản trên, nhà dưới. Vào nhà anh Ngô Văn Hạnh, anh vui vẻ nói: Mình đi xe máy chưa quen nên ngã, lao xuống dốc phải ở nhà. Mùa này bà con lên nương rẫy hết, lũ trẻ thì đi học, chỉ có người già ở nhà lo cơm nước. Ðến giữa trưa, thấy có khách, mọi người trong thôn ai cũng muốn đến hỏi thăm. Trong câu chuyện bà con tự hào về con đường. Bí thư chi bộ Lý Văn Trí hồ hởi nói: Bao nhiêu năm ước mơ, nay tự sức lực của bà con và sự hỗ trợ của Nhà nước mới mở con đường về đến thôn, bản. Nhớ lại những năm trước đây, nuôi được con lợn, trồng được cân ngô, đỗ... đều phải gùi bằng đôi vai, vất vả cực nhọc vô cùng. Nhiều hộ gia đình đã phải bỏ vào các tỉnh phía nam làm ăn. Nhưng nay chỉ hơn một năm có đường về bản, 70% số hộ trong thôn đã mua xe máy để đi lại, 100% số hộ đã được sử dụng điện lưới quốc gia, trẻ em không phải lo ra xã ngủ lại để đi học. Trưởng thôn Lương Văn Ðại, góp thêm vào câu chuyện tính toán làm ăn: Nhiều hộ trồng được các loại cây ăn quả, nông sản phẩm đã được đưa đến chợ huyện, chợ tỉnh bán. Nhờ vậy, đời sống bà con không còn lo đói kém. Năm qua cả thôn đã trồng được hơn 32 ha rừng keo, thông, bạch đàn... chỉ dăm năm là có thể khai thác. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con chú trọng về chăn nuôi gia súc gia cầm, vì có nhiều đồng cỏ và kết hợp với trồng trọt bảo đảm ổn định lương thực... Nhưng do trình độ dân trí thấp nên việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất còn khó khăn, nhiều hộ chưa biết tổ chức sắp xếp làm ăn, ít cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ, phúc lợi xã hội và nền kinh tế thị trường...
Cần có cơ chế đặc thù cho bà con dân tộc
Lạng Sơn có gần 60% xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, vùng biên giới và hơn 83% số hộ dân là bà con dân tộc thiểu số sống ở các vùng nông thôn. Nhưng sau nhiều năm được triển khai các chương trình: 120, 134, 135 của Chính phủ và các nguồn vốn khác... kết cấu hạ tầng từng bước được tăng cường, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên đời sống vật chất và tinh thần của bà con các dân tộc có nhiều khởi sắc. Kết thúc năm 2009, đã có 100% xã có điện lưới quốc gia, hơn 92% số hộ được sử dụng điện; 86% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã; 70% cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16,9%...
Nhiều hộ nông dân từ nghèo khó đã biết khai thác tiềm năng thế mạnh vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Ðiển hình như gia đình ông Bàn Nho Hiển, 66 tuổi, ở thôn Ðồng Tiến, Nhất Tiến (Bắc Sơn). Mười năm về trước gia đình ông còn nghèo khó. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha đất nương bãi trồng ngô sang trồng cây quýt. Sau hơn mười năm vào vụ thu hoạch năm 2009, vườn quýt của nhà ông đã cho thu nhập với tổng trị giá hơn 140 triệu đồng. Noi gương ông, nhiều hộ gia đình trong thôn đã chuyển diện tích trồng ngô sang trồng cây quýt. Ðến nay đều đã cho thu hoạch. Ông Bàn Nho Hiển tâm sự: Nhờ đó cuộc sống của bà con dân tộc Dao chúng tôi đã thoát được đói, nghèo, con cái được đi học. Không những thế, khi được Nhà nước hỗ trợ xi-măng mở đường về thôn, bản, các hộ dân đều tự nguyện đóng góp xây dựng. Nhưng còn một số ít hộ do chưa biết tổ chức làm ăn, hoặc không có đất sản xuất nên vẫn còn nghèo... Khác với địa hình vùng Bắc Sơn, 169 hộ dân tộc ở thôn Làng Thành, xã Quang Lang, (Chi Lăng), lại có cách làm giàu riêng. Với diện tích đất lâm nghiệp hơn 400 ha, nay các hộ trong thôn đều phát triển trồng các loại cây ăn quả như: na dai, cây vải thiều, tổng diện tích hơn 40 ha. Nhiều loại cây hoa màu khác như dưa hấu, khoai tây, thuốc lá... cũng được bà con trồng. Ðặc biệt là cây na dai, hằng năm mỗi hộ gia đình trong thôn đều có thu nhập từ cây này từ 10 đến 20 triệu đồng trở lên. Anh Vi Văn Vịnh, Trưởng thôn Làng Thành cho biết: - Có cuộc sống ổn định người dân đều tự nguyện xây dựng đường làng, ngõ xóm, mương phai nội đồng, xây nhà văn hóa thôn. Hiện số hộ nghèo trong thôn chỉ còn 2,4%... Tuy vậy, bà con vẫn còn nỗi lo, nhiều mặt hàng sản xuất ra tiêu thụ rất bấp bênh, nên cái nghèo vẫn cứ lơ lửng trên đầu người dân. Vì chỉ cần một vụ dưa hấu mất giá là thu nhập giảm hẳn, có hộ lại tái nghèo.
Qua thực tế cho thấy, bước đầu bà con các dân tộc ở Lạng Sơn nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo đạt một số thành quả nhưng nhìn chung kinh tế ở các vùng đồng bào dân tộc còn chậm phát triển. Nhiều nơi lúng túng hoặc chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, một số thiếu đất sản xuất. Một số vùng nông thôn môi trường sinh thái tiếp tục bị suy giảm, kết cấu hạ tầng còn thấp... Ðể khắc phục những hạn chế, khó khăn nói trên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Vi Văn Thành: Trong những năm trước mắt sẽ tập trung giúp bà con các dân tộc, nhất là vùng đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: thiếu lương thực, không đủ tư liệu sản xuất, thiếu đất ở và đất sản xuất. Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, ưu tiên nguồn nhân lực tiếp tục xây dựng hạ tầng nông nghiệp nông thôn vùng cao, vùng biên giới, tạo động lực cho bà con các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo.