Huyện Mường Lát phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông đặc biệt khó khăn
Mường Lát là huyện biên giới nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa, đồng bào dân tộc Mông có 3.148 hộ với 16.564 khẩu, cư trú tập trung ở 38 bản, thuộc 6 xã dọc biên giới. Đồng bào dân tộc Mông sống chủ yếu tại rừng đầu nguồn và trong rừng sâu, vùng núi cao, khu vực rừng phòng hộ xung yếu, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh.
Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nông nghiệp chậm phát triển nên cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. UBND huyện Mường Lát đã thực hiện đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông, huyện Mường Lát, giai đoạn 2016-2020” với tổng số vốn khoảng 801 tỷ đồng nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của đồng bào, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Để triển khai đề án, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các ban, ngành, các xã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư các cơ sở hạ tầng, giúp bà con khai hoang đất để sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều bản có điện lưới quốc gia, có thể đi lại bằng xe máy thuận tiện, đồng bào được hỗ trợ phát triển sản xuất đã có thêm thu nhập, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Giai đoạn 2016-2020, xã Pù Nhi được các chương trình, dự án, mô hình giảm nghèo của Nhà nước hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để giúp người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất như mô hình chăn nuôi bò, lợn, mô hình trồng cây hái quả, mô hình trồng lúa... Nhờ thực hiện tốt các dự án, mô hình phát triển sản xuất, số hộ nghèo của xã năm 2017 là hơn 700 hộ, đến cuối năm 2019 giảm còn 562 hộ (trong đó có hơn 400 hộ là đồng bào người Mông), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 16 triệu đồng/năm.
Đến thăm gia trại của chị Sung Thị Lâu (dân tộc Mông, sinh năm 1982), trú tại bản Toong, xã Pù Nhi, chị Lâu cho biết: Trước đây tôi phải đi nương, đi rừng kiếm sống qua ngày nhưng vẫn không kiếm đủ tiền phục vụ cuộc sống hàng ngày. Năm 2017, tôi được UBND xã Pù Nhi hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng, ngay sau đó tôi đã xây dựng mô hình gia trại tổng hợp để nâng cao thu nhập.
Để xây dựng mô hình, chị Lâu đã nhập các giống lúa, cây hái quả, vật nuôi chất lượng, đồng thời xây dựng chuồng chăn nuôi. Đến nay, gia trại của chị ngày càng phát triển, cho thu nhập cao với 12 con bò, 200 con gà, 1 ha rừng trồng cây xoan, 6 sào lúa và 1 ha mía, bình quân đạt 120 triệu đồng/năm.
Ông Lâu Tông Cơ (dân tộc Mông, sinh năm 1960, trú tại bản Pu Toong, xã Pù Nhi) cũng thoát nghèo nhờ các chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Ông Cơ cho biết: Năm 2018, tôi được xã Pù Nhi hỗ trợ giống cây trồng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, sau đó tôi xây dựng mô hình trồng cây hái quả kết hợp chăn nuôi để nâng cao thu nhập.
Nhờ đức tính chịu khó, cộng với tinh thần ham học hỏi, tới nay ông Cơ đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển kinh tế. Hiện gia đình ông đang trồng 200 gốc nhãn, 100 cây chuối, nuôi 5 con bò, 7 con lợn sinh sản, 1 ha ruộng lúa, thu nhập mỗi năm của gia đình đạt 90 triệu đồng/năm. Ông cũng thường xuyên giúp đỡ các hộ dân tộc Mông khác trong xã, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để bà con cùng vươn lên thoát nghèo.
Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi cho biết, những năm qua xã đã thực hiện có hiệu quả Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông, giai đoạn 2016-2020” cùng các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân như chương trình 135, nghị quyết 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới… Người dân được hỗ trợ vốn, khoa học kĩ thuật mới để áp dụng vào phát triển kinh tế, nhiều hộ đã vượt qua đói nghèo, đời sống ngày càng ổn định hơn. Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện tốt các dự án, mô hình phát triển kinh tế cho người dân, đặc biệt là trồng lúa, trồng rừng và chăn nuôi dê, bò sinh sản, qua đó ổn định đời sống đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn, giúp họ an cư lạc nghiệp, có thêm niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Mông còn một số khó khăn như: Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, tập quán sản xuất lạc hậu chủ yếu dựa vào nương rẫy, trình độ dân trí thấp, một số người dân còn ỷ lại, chưa có ý chí vươn lên thoát nghèo...
Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Cao Văn Cường cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, trước hết là giao thông, thông tin liên lạc để kết nối vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm do nhân dân sản xuất ra. Cùng với đó, huyện giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống một cách bền vững. Huyện Mường Lát triển khai những giải pháp mới nhằm giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào khắc phục tính tự ti, thụ động, nỗ lực vượt qua khó khăn về điều kiện tự nhiên không thuận lợi, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
(dantocmiennui.vn)