Trà Vinh: Lồng ghép nguồn lực để giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc Khmer

Từ nguồn vốn Trung ương phân bổ để thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, tỉnh Trà Vinh đã tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn. Cùng với đỏ, tỉnh đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn.

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Trà Vinh lần thứ III năm 2019

 

Năm 2019, từ nguồn vốn được Trung ương phân bổ hơn 52,5 tỷ đồng, tỉnh đã đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng 105 công trình hạ tầng tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ gần 700 hộ nghèo, hộ Khmer phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 9.214 hộ nghèo, chiếm 3,2% so với tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer còn 5.394 hộ, chiếm 6% số hộ dân tộc Khmer.

Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu giảm tối thiểu 1,5% số hộ nghèo, riêng hộ dân tộc Khmer nghèo giảm 2 - 3%. Từ nguồn vốn đầu tư Chương trình 135 được cấp của tỉnh là gần 48 tỷ đồng, tỉnh đã xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở.

Với mức hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/người/tháng cho các hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội, bảo đảm có mức thu nhập hằng tháng cao hơn chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nguồn vốn đầu tư hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc Khmer tiếp cận các chương trình, dự án phát triển sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo người DTTS đã tiếp cận được nguồn vốn, thúc đẩy phát triển sản xuất. Tỉnh cũng hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hộ nghèo tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Trà Vinh hỗ trợ hơn 37.000 hộ chủ yếu là đồng bào Khmer được sử dụng điện, cải tạo cho gần 6.000 hộ sử dụng điện an toàn. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực vận động đồng bào Khmer chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; đồng thời, thực hiện nhiều hoạt động giảm nghèo. Nhờ vậy, hộ nghèo dân tộc Khmer giai đoạn 2018-2020 giảm gần 10.000 hộ.

Song song đó, đồng bào DTTS Trà Vinh còn được thụ hưởng các chính sách khác như, hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo, cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS; cấp phát báo, tạp chí, trợ giúp pháp lý cho người nghèo vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, sử dụng nước sạch, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập… tạo điều kiện để con em hộ nghèo được đến trường, tránh bỏ học giữa chừng…

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm nâng cao trình độ dân trí gắn với giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer. Công tác giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được tỉnh ưu tiên thực hiện, tạo mọi điều kiện cho học sinh Khmer đến trường. Toàn tỉnh có 8 trường Dân tộc nội trú và 1 trường Trung cấp Pa-li. Việc dạy và học chữ Khmer được duy trì, phát triển, với 121 điểm trường dạy tiếng Khmer thường xuyên, 134/143 chùa tổ chức dạy chữ Khmer dịp hè. Hầu hết các trạm y tế trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có bác sĩ khám chữa bệnh.

 

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành