Trà Vinh phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer

Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào Khmer ngày càng hoàn thiện. Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân hơn 236 tỷ đồng xây dựng 154 công trình, dự án, cầu, đường giao thông tại các vùng đồng bào dân tộc. Tỉnh hỗ trợ hơn 37.000 hộ chủ yếu là đồng bào Khmer được sử dụng điện, cải tạo cho gần 6.000 hộ sử dụng điện an toàn. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực vận động đồng bào Khmer chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; đồng thời, thực hiện nhiều hoạt động giảm nghèo. Nhờ vậy, hộ nghèo dân tộc Khmer giai đoạn 2018-2020 giảm gần 10.000 hộ.

Tạo điều kiện tốt nhất để con em đồng bào Khmer học tập.

 

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm nâng cao trình độ dân trí gắn với giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer. Công tác giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được tỉnh ưu tiên thực hiện, tạo mọi điều kiện cho học sinh Khmer đến trường. Toàn tỉnh có 8 trường Dân tộc nội trú và 1 trường Trung cấp Pa-li. Việc dạy và học chữ Khmer được duy trì, phát triển, với 121 điểm trường dạy tiếng Khmer thường xuyên, 134/143 chùa tổ chức dạy chữ Khmer dịp hè. Hầu hết các trạm y tế trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có bác sĩ khám chữa bệnh.

Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer từng bước được củng cố. Tỉnh ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer; cán bộ đủ năng năng lực được bố trí các chức vụ chủ chốt ở cấp ủy, chính quyền các cấp. Phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào Khmer được tỉnh Trà Vinh duy trì và  tổ chức long trọng.

Ngoài ra, tỉnh thực hiện hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội, dự án hỗ trợ đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc Khmer như: Chương trình 135 đầu tư xây dựng 254 công trình hạ tầng, hỗ trợ gần 2.900 hộ Khmer phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… với tổng kinh phí hơn 142 tỷ đồng. Tỉnh thực hiện chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trợ giúp pháp lý cho đồng bào, cấp phát báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Hộ Khmer nghèo được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, được giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tiền điện…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao mức sống, phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer; trong đó, ưu tiên các nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào Khmer.

 

(dantocmiennui.vn)

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành