Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới Thanh Hóa
Quan Sơn là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, dân số chủ yếu là người dân tộcThái, Mường và Môngsinh sống. Trong giai đoạn 2014-2019, huyện đã được Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội, với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng, vốn giao đã thực hiện 780 tỷ đồng.
Quan Sơn là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, dân số chủ yếu là người dân tộcThái, Mường và Môngsinh sống. Trong giai đoạn 2014-2019, huyện đã được Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội, với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng, vốn giao đã thực hiện 780 tỷ đồng.
Huyện đã dùng nguồn vốn này xây dựng 279 công trình giao thông; xây dựng nhà văn hóa, trường học và nhiều các công trình khác. Đồng thời, huyện cũng thực hiện các dự án: phục tráng rừng vầu, rừng luồng; trồng cây ăn quả, hỗ trợ vật nuôi, đưa giống cây và giống vật nuôi mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng.
Bên cạnh đó, huyện lồng ghép các chương trình, dự án nhằm huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác của người dân. Đặc biệt, huyện cũng nêu cao vai trò Bí thư, Trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số phải đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế của địa phương.
Đến với bản Na Mèo, xã Na Mèo, không ai không biết đến ông Phạm Văn Tâm (dân tộc Thái) là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi của huyện, xuất thân trong gia đình thuần nông, quanh năm chỉ làm ruộng theo thời vụ nên cuộc sống rất khó khăn. Năm 2013, ông đã quyết định nhận khoán rừng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Mèo với diện tích gần 800 ha rừng, sau đó xây dựng mô hình trồng rừng, kết hợp buôn bán. Từ đó, công việc sản xuất kinh doanh của ông ngày càng thuận lợi.
Năm 2016, ông Tâm nhận thấy nhu cầu xây dựng của nhân dân ngày càng lớn trong khi đó mái tôn lợp giá cao, chất lượng không đảm bảo nên ông Tâm đã đầu tư, xây dựng thêm một một xưởng sản xuất mái tôn. Do sản phẩm có chất lượng tốt nên khách hàng tìm đến xưởng tôn của gia đình ông ngày càng nhiều. Sản phẩm mái tôn của gia đình ông Tâm không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong vùng mà còn đáp ứng cho nhân dân nước bạn Lào tại khu vực giáp biên giới.
Năm 2018, ông Tâm tiếp tục đầu tư thêm 6 ô tô tải để vận chuyển hàng lâm sản, đồng thời mở rộng diện tích trồng rừng và xưởng sản xuất, mua bán tôn. Hiện thu nhập bình quân của gia đình ông khoảng 200-300 triệu/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 60 lao động với mức lương từ 4-7 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, ông Tâm còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức khởi nghiệp làm giàu cho nhiều hộ dân địa phương. Nhờ những thành tích tốt trong sản xuất, kinh doanh, năm 2017, ông Tâm được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Tại xã Tam Lư, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 7 năm qua, xã đã huy động 117 tỷ đồng xây dựng 6 nhà văn hóa, bê tông hóa nhiều tuyến đường, các khu dân cư được quy hoạch. Đầu năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Vi Văn Trường, bản Hậu, xã Tam Lư cho biết, được chuyển giao khoa học kĩ thuật mới trong sản xuất, ông đã xây chuồng nuôi, hệ thống xử lý chất thải, nhập các giống cây luồng và vầu để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.
Nhờ chịu khó và ham học hỏi, đến nay trang trại của ông Trường đã phát triển với 6 ha rừng luồng, keo và 5 con bò, 20 con lợn, cho thu nhập khoảng 80 triệu/năm. Ngoài ra, ông còn thường xuyên giúp các hộ dân khác sống quanh vùng chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ngay tại vùng biên giới khó khăn.
Theo ông Vi Văn Piên, Chủ tịch UBND xã Tam Lư, xã đã tuyên truyền để nhân dân hiểu xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là chương trình của dân, do dân và vì dân, nhân dân là chủ thể và là đối tượng trực tiếp được thụ hưởng; đồng thời, làm khơi dậy tinh thần tự lực, làm chủ của người dân, để chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, số hộ nghèo năm 2014 tại xã là gần 300 hộ, đến năm 2019 giảm xuống còn 42 hộ; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 31 triệu đồng/năm.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công trong công tác giảm nghèo, nhưng Quan Sơn vẫn còn nhiều khó khăn do địa hình vùng biên giới hiểm trở, mưa lũ xảy ra nhiều. Trong khi đó, nhận thức của người dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của nhà nước thấp, còn tình trạng ỷ lại trông chờ vào chính sách của nhà nước. Bà Lương Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Nhờ thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, năm 2014, số hộ nghèo của huyện Quan Sơn khoảng 5.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 51%. Đến năm 2019, số hộ nghèo tại huyện này giảm xuống còn gần 2.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 23 triệu/người/năm, đời sống bà con ngày càng được ổn định hơn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phân công lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể đến dự sinh hoạt chi bộ cơ sở để nắm bắt tình hình đời sống nhân dân và nâng cao công tác tuyên truyền, nhân rộng các gương tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số trong học tập, lao động sản xuất; đồng thời, nâng cao vai trò của Bí thư, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững chính trị, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng vùng biên giới ngày càng bình yên./.
(dantocmiennui.vn)