Giải pháp xóa nghèo bền vững
Tiên Yên là huyện miền núi ven biển, có 6 dân tộc thiểu số, hiện nay còn 3 xã (gồm Đại Dực, Đại Thành, Hà Lâu) và 2 thôn (Khe Mạ - xã Phong Dụ; thôn Khe Vàng - xã Điền Xá) đang thuộc diện đặc biệt khó khăn (Chương trình 135).
Giao nhiệm vụ cho cán bộ chủ chốt lo việc xóa nghèo từng xã
Theo số liệu cuối năm 2016, toàn huyện Tiên Yên có 12.677 hộ gồm 6.524 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 51,46% so với số hộ toàn huyện. Toàn huyện có 705 hộ nghèo, bằng 5,56% so với số hộ toàn huyện; trong đó có 3 xã và 2 thôn đặc biệt khó khăn chiếm 253 hộ, chiếm 35,89% so với tổng số hộ nghèo của toàn huyện. Số hộ cận nghèo hiện còn 737 hộ, bằng 5,81% so với số hộ toàn huyện. Trong đó: 3 xã và 2 thôn đặc biệt khó khăn có 263 hộ, chiếm 35,69% (so với tổng số hộ cận nghèo của toàn huyện).
Căn cứ Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020”, Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện Tiên Yên có 7 xã với 20 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Để triển khai, thực hiện các nội dung đề án về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn huyện Tiên Yên theo đề án của Chính phủ và Đề án 196 của UBND tỉnh Quảng Ninh, trong 7 tháng đầu 2017, Đảng bộ, HĐND và UBND huyện đã ban hành nghị quyết cũng như các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời, ban hành văn bản phân công cán bộ chủ chốt: 5 Ủy viên thường vụ huyện ủy và 1 đồng chí là thường trực HĐND trực tiếp phụ trách chỉ đạo đưa 3 xã và 2 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trước năm 2020.
Giải pháp lộ trình cụ thể từng năm
Từ thực trạng nghèo và cận nghèo trên địa bàn, Tiên Yên đặt mục tiêu phấn đấu trước năm 2020 đưa cả 3 xã và 2 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Theo đó, đặt lộ trình từng năm cho từng xã, thôn.
Cụ thể, năm 2017, huyện đưa 1 xã (Đại Thành) và 4 thôn (thôn Khe Mạ - xã Phong Dụ; thôn Khe Quang - xã Đại Dực, thôn Khe Vàng - xã Điền Xá; thôn Nậm Mìn - xã Hà Lâu) ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vùng đồng bằng, đô thị. Năm 2018, đưa 2 thôn (Khe Vàng - xã Điền Xá; Khe Mạ - xã Phong Dụ); đến hết năm 2019 có 3 xã (Hà Lâu, Đại Thành, Đại Dực) ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135…
Để hoành thành lộ trình này, Tiên Yên tập trung các giải pháp triển khai các dự án hỗ trợ cho các hộ dân trong diện nghèo theo đề án, chương trình phát triển sản xuất sản phẩm, trong đó chủ yếu là sản phẩm OCOP trong từng năm để tăng thu nhập cho người dân.
Ví như, trong năm 2017 triển khai thực hiện tại xã Hà Lâu 5 dự án gồm: 2 dự án hỗ trợ chăn nuôi (nuôi gà, nuôi bò) và 3 dự án trồng trọt (trồng bạch đàn, trồng gừng và mô hình rau sạch) với kinh phí hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng. Xã Đại Dực cũng thực hiện 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại xã, gồm: 2 dự án hỗ trợ chăn nuôi (nuôi lợn, nuôi gà) và 3 dự án nông - lâm nghiệp (trồng dong riềng, trồng gừng, trồng rừng gỗ lớn) với kinh phí hỗ trợ trên 1, 5 tỷ đồng.
Ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên:
“Chúng tôi xác định việc xóa nghèo bền vững cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, phát triển sản xuất chương trình sản phẩm OCOP là một trong giải pháp có tính bền vững. Đây cũng là kênh quan trọng để nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”.
|