Giảm nghèo bền vững – cần khích lệ ý thức tự lực của người dân
Trong 30 năm đối mới, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, công tác này đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 còn 5,8%-6,0%, theo chuẩn mới là 8,38%, giảm khoảng 1,5% so với đầu năm; tỉ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo còn 46,43%, giả Trong 30 năm đối mới, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, công tác này đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 còn 5,8%-6,0%, theo chuẩn mới là 8,38%, giảm khoảng 1,5% so với đầu năm; tỉ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo còn 46,43%, giảm 4%...
Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đạt được thì hiện vẫn còn một số khu vực tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao như miền Tây Bắc, Tây Nguyên. Đặc biệt, có nhiều hộ đã thoát nghèo lại tái nghèo. Làm sao để giảm nghèo bền vững cho người dân là vấn đề được đặt ra. Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã có cuộc trao đổi với phóng viên các báo xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: -Theo ông chia sẻ, hiện có tới 70 văn bản chính sách về giảm nghèo, vậy chúng ta có kế hoạch rà soát và cách làm cụ thể nào để Chương trình đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?
Ông Ngô Trường Thi: Trong Nghị quyết 76 của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát lại và 2 năm một lần phải báo cáo Quốc hội. Năm 2016 chúng tôi đã báo cáo lần một và hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục cùng các bộ, ngành xây dựng kế hoạch để tích hợp chính sách theo hướng mỗi bộ chỉ ban hành tối thiểu 1 văn bản dưới hình thức nghị định thì sẽ bao trùm. Chẳng hạn, trước đây cùng là việc hỗ trợ cho học sinh bán trú thì có tới 3 văn bản thì bây giờ phải dồn lại, không để nhiều như vậy nữa.
Phóng viên: Thưa ông, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 thì việc chuyển đổi cách đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều có những khó khăn gì?
Ông Ngô Trường Thi: Như đã biết, giai đoạn 2016- 2020, chủ trương của Quốc hội, Chính phủ là chuyển đổi cách đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Trong chuyển đổi phương pháp thì khó khăn đầu tiên về nhận thức. Bởi, chúng ta đã quen với việc làm theo kiểu cũ, đo lường nghèo thì cứ nghèo là thiếu tiền. Tuy nhiên, hiện nay nghèo không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu hụt trong việc tiếp cận các nhu cầu cơ bản. Thứ hai, khi mới tiếp cận cách thức đo lường (tức là bộ công cụ có sự chuyển đổi) thì cán bộ địa phương rất lúng túng. Bởi, phương pháp này tuy không đòi hỏi chúng ta phải tính toán chi li nhưng phải nhận dạng để biết được người nào nghèo, người nào không nghèo. Tức là, trước kia là chúng ta đo lường nghèo dựa vào tài sản, thu nhập thì nay đo lượng dựa vào giá trị sử dụng. Chẳng hạn, xe máy cũ hay xe máy mới đều có tác dụng là chở người hoặc chở hàng, trừ những xe máy hỏng, không còn lốp, bỏ trong nhà thì không tính. Hoặc như tivi màu hay trắng đen thì cùng làm một nhiệm vụ để theo dõi thông tin... Rõ ràng, cách đo này sẽ xác định đối tượng tốt hơn. Tất nhiên, để làm được việc đó, đòi hỏi phải nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng phù hợp với từng địa phương...
Phóng viên: Thưa ông, nếu đo lường nghèo theo phương pháp mới thì có phải thêm nguồn lực không?
Ông Ngô Trường Thi: Tôi có thể khẳng định, trên thế giới không có một quốc gia nào có chính sách đa dạng và đầy đủ như ở Việt Nam. Nhưng quan trọng là làm sao để làm theo phương pháp mới không tăng tiền. Thực tế, qua cách tiếp cận này chúng ta sẽ phân loại được nhóm đối tượng. Đối tượng thiếu hụt cái gì, ta hỗ trợ cái đó, chứ không như trước kia, đã nghèo là được hỗ trợ như nhau. Tuy nhiên, không phải mức độ nào thiếu hụt cũng hỗ trợ bằng tiền. Chẳng hạn, thiếu hụt về vệ sinh thì không có nghĩa là chúng ta phải đi làm vệ sinh cho người nghèo mà cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để không bị bệnh tật... Hay như thiếu hụt về thông tin chẳng hạn, không có nghĩa chúng ta mua ti-vi, điện thoại cho người nghèo. Thay vào đó, sẽ đầu tư những trạm thu phát sóng để người dân tiếp cận sóng. Ngoài ra, để tạo ra thu nhập, Chương trình sẽ hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ sinh kế giúp người nghèo thoát nghèo.
PV: Thưa ông, hiện nay, chúng ta đã có những chính sách gì để giảm bớt tình trạng trông chờ, ỷ nại của người dân từ sự hỗ trợ của Nhà nước?
Ông Ngô Trường Thi: Đúng là thời gian qua, chính sách của chúng ta đang tạo sự ỷ nại, trông chờ của người dân. Bởi, chính sách chưa khuyến khích vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Bây giờ, làm sao để người dân có ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo là vấn đề quan trọng. Vì vậy, định hướng của Chính phủ là hạn chế tối đa các chính sách hỗ trợ không gắn với điều kiện. Thay vào đó, hỗ trợ người dân có điều kiện, có hoàn trả, có thời gian. Thứ hai, chúng ta mở rộng chính sách với hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo để bảo đảm tính công bằng. Thứ ba, để chính sách có hiệu quả, thì chúng ta phải thực hiện phân cấp cho địa phương và mở rộng sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, người nghèo phải là chủ thể và cộng đồng sẽ là người quyết định để thực hiện. Tôi cho rằng, với định hướng như vậy, hiệu quả của chính sách giảm nghèo trong thời gian tới sẽ đạt những kết quả tốt hơn...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!