Hàng chục nghìn tỷ đồng đã hỗ trợ cho người nghèo và cận nghèo

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững 2016-2017, hàng chục nghìn tỷ đồng tiền chính sách đã và đang đến với người nghèo và cận nghèo, tập trung vào các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện... Ước tính cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ giảm xuống dưới 7%.

Cụ thể, trong hai năm 2016 - 2017, ngân sách đã bố trí 18.642 tỷ đồng để thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hỗ trợ 5.483 tỷ đồng để bảo hiểm y tế cho người cận nghèo và học sinh, sinh viên.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ y tế, thì ngân sách Trung ương cũng hỗ trợ giáo dục cho người nghèo 2 năm qua với số tiền 5.730 tỷ đồng để miễn giảm học phí và hỗ trợ kinh phí học tập theo Nghị định 86/2015. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng.

Chính sách tín dụng ưu đãi cũng đến với hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để các nhóm đối tượng này vay vốn. Trong đó, trên 74 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn lần đầu trong năm.

Trong 9 tháng năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên 1.672 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 43.766 tỷ đồng, tăng 1.873 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó doanh số cho hộ nghèo vay là 9.292 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 7.592 tỷ đồng và cho vay hộ mới thoát nghèo là 8.746 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều nghìn tỷ đồng cũng đã đến với các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trong chính sách về hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ nhà ở và các chương trình dự án: 30a; 135; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã...

“Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 8,23%, giảm 1,65% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn 44,93%, giảm 5,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Ước đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng dưới 7% (giảm 1,3% so với cuối năm 2016). Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc, miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu theo Quyết định 1722 (ngày 2/9/2016) của Thủ tướng Chính phủ”, Chương trình MTQG giảm nghèo nêu rõ. 

KT

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành