Hướng đi mới ấm no cho nông dân Tây Bắc
Từ chỗ trồng manh mún, nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu địa phương thì đến nay, nhiều tỉnh Tây Bắc đã xuất hiện các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực như cam, na, bưởi, xoài… Với chất lượng đã được khẳng định, nhiều loại cây hàng hóa của Tây Bắc đang được tiêu thụ rộng rãi với giá trị cao, mở ra hướng đi mới no ấm cho đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.
Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi
Với diện tích tự nhiên rộng lớn, khí hậu đa dạng… đất đai Tây Bắc cho phép phát triển nhiều loại cây trồng có nguồn gốc ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới. Mấy năm gần đây, với sự nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó của nhiều nông dân, cùng sự vào cuộc tích cực của Nhà nước và các doanh nghiệp, Tây Bắc đã hình thành một số vùng cây hàng hóa như: Cam (Hà Giang, Hòa Bình), Bưởi (Phú Thọ), Na (Lạng Sơn), xoài (Sơn La), táo mèo (Yên Bái)… Trong đó, tỉnh Sơn La trở thành địa phương đi tiên phong với nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: Bơ, xoài, nhãn, đào, mận...
Ông Cầm Ngọc Minh – Chủ tịch tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2017, Sơn La đã biểu dương 782 hộ có thu nhập từ trồng cây ăn quả đạt trên 300 triệu đồng/năm. Các hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng cũng khá nhiều, tập trung tại thành phố Sơn La, huyện Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã. Nhờ phát triển các loại cây ăn trái, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Sơn La đã mua được ô tô, xây nhà lớn… Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2013 - 2016, các tỉnh trong vùng đã chuyển đổi 21.601 héc-ta đất lúa không chủ động được nước tưới, sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu, cây ăn quả có múi có giá trị kinh tế cao hơn, nhiều nhất là Hòa Bình (12.089 héc-ta), Hà Giang 4.250 héc-ta. Một số mô hình chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao như trồng dưa chuột Nhật thu nhập trên 100 triệu đồng/héc-ta/vụ, mô hình trồng quả lặc lày tại Hòa Bình thu nhập trên 120 triệu đồng/héc-ta/vụ.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân đã chủ động được mùa vụ, nguồn nước cũng như kế hoạch sản xuất từng loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Đến nay, với diện tích cây ăn quả toàn vùng đạt 152,9 nghìn héc-ta – vùng Tây Bắc đã chiếm hơn 17,7% diện tích cây ăn quả cả nước.
Áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao giá trị
Thông tin tại Hội nghị tổng kết 7 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, trong đó với vùng Tây Bắc sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại trên từng lĩnh vực cụ thể. Riêng với loại hình cây ăn quả - được xác định là ngành có lợi thế cạnh tranh, thị trường thuận lợi còn có thể phát triển nhiều hơn nữa – Bộ sẽ định hướng cho các tỉnh chú trọng phát huy cây đặc sản, lợi thế của mỗi địa phương. Trong đó, phát triển sản xuất cam và cây ăn quả có múi ở Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang; phát triển vùng sản xuất chuối ở các xã biên giới của tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái…
Nếu như những năm trước, nhiều vùng trồng ở một số địa phương đã biết đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thâm canh cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thì trong giai đoạn 2017 – 2020, các địa phương vẫn phải tiếp tục chú trọng phát động nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, kỹ thuật SRI, “3 giảm, 3 tăng”, cơ giới hóa làm đất, gieo cấy và thu hoạch để tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
Gần đây, nhiều tấn hoa quả của Tây Bắc đã xuất khẩu đến với người tiêu dùng ở một số nước trên thế giới – đây chính là sự khẳng định cho chất lượng trái cây do nông dân Tây Bắc làm ra; đồng thời cho thấy, phát triển cây ăn trái sẽ là hướng đi hiệu quả hứa hẹn mang lại ấm no cho vùng Tây Bắc còn nhiều gian khó.