Khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số: Còn nhiều khó khăn trong tiếp cận chính sách

Hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chính sách tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý,… đều là những kênh để hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp. Nhưng vì nhiều lý do, để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp này là không hề dễ.

Vừa đi vừa trưởng thành

Năm 2013, Má A Nủ, sinh năm 1994, dân tộc Mông, ở bản San Sả Hồ (Sa Pa, Lào Cai) nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp bằng nghề chưng cất tinh dầu thảo dược. Từ hai bàn tay trắng, 4 năm sau, A Nủ trở thành Giám đốc Hợp tác xã (HTX) H’Mông Cát Cát, có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Sản phẩm tinh dầu thảo dược của A Nủ được phân phối tại Sa Pa, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Nghe qua thì thật dễ, và cũng chẳng mất nhiều thời gian thanh niên DTTS khởi nghiệp. Nhưng những chia sẻ của A Nủ trong dịp A Nủ về Hà Nội tham dự “Phiên chợ khởi nghiệp” (Hà Nội Concept Market) cuối năm 2016 cho thấy, khởi nghiệp là một hành trình gian nan; nếu chỉ có ý tưởng, nhiệt huyết thôi thì chưa đủ.

A Nủ kể: Khi có ý tưởng làm nghề chưng cất tinh dầu thảo dược, cái khó là học nghề ở đâu. Biết ở địa phương thường có các lớp đào tạo nghề, nhưng lại không có nghề chưng cất tinh dầu. Thế nên A Nủ gom góp tiền, năm 2014 vào tận Ninh Bình để học nghề.

Học xong nghề, A Nủ về lại San Sả Hồ, cùng anh họ là Má A Chư bắc nồi “đun cỏ đóng chai”. Sở dĩ gọi như vậy là vì bắt tay vào làm nghề, hai anh em chỉ vay mượn người thân được gần 20 triệu đồng, đủ mua 2 cái nồi dung tích 100 lít và một số dụng cụ, nguyên liệu thiết yếu. Hai anh em thay nhau tìm thảo dược, chia ca chưng cất.

Mẻ tinh dầu đầu tiên được tiêu thụ chóng vánh tiếp thêm sức cho A Nủ mở rộng quy mô. Cộng tiền dành dụm và tiền mẹ bán hai con trâu, A Nủ vay thêm với lãi suất cao để cho đủ 300 triệu đồng mở xưởng. Để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, A Nủ bàn với A Chư thanh lập HTX.

Nhưng thủ tục thế nào thì chịu; lên hỏi xã thì xã cũng không rành. A Nủ tìm đến Liên minh HTX tỉnh, rồi quay về Phòng Tài chính huyện để hỏi. Ngang dọc nhiều chỗ, cuối cùng hai anh em cũng cho ra đời HTX H’Mông Cát Cát.

Sau khi sản phẩm tinh dầu thảo dược ổn định được ở thị trường trong tỉnh, A Nủ bắt tay vào việc đưa “tinh hoa của núi rừng” đến với những thị trường tiềm năng hơn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nhưng chính quyền địa phương cũng chỉ động viên, A Nủ phải tự thân tìm kiếm cơ hội thị trường.

Nhờ tham gia “Phiên chợ khởi nghiệp” ở Hà Nội, rồi sau đó là “Phiên chợ Xanh-Tử tế” ở TP. Hồ Chí Minh, được sự giúp đỡ của ban tổ chức, Nủ đã tìm được đường đi cho sản phẩm tinh dầu thảo dược “made-in Sa Pa” của mình ở hai thị trường là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. A Nủ đang ấp ủ kế hoạch đưa sản phẩm của mình xuất ngoại ngay trong năm 2017 này.

Chính sách nhiều nhưng chưa trúng

Má A Nủ là một trong rất ít thanh niên DTTS trên cả nước đã và đang khởi nghiệp thành công. Ngay tại Sa Pa, địa phương có nhiều tiềm năng thì số thanh niên DTTS khởi nghiệp và thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cùng với A Nủ là Tẩn Thị Su, người sáng lập cơ sở du lịch cộng đồng đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sapa O’Chau); là Giàng Thị Lang, người sáng lập Công ty du lịch Real Sapa, “thiết kế” các tour du lịch trải nghiệm và mạo hiểm;…

Phải khẳng định rằng, khởi nghiệp là không dễ, nhất là với đồng bào DTTS. Như A Nủ, để thành công thì có lúc đã phải nhịn ăn để gom tiền đi học nghề; hay như Tẩn Thị Su từng phải lẽo đẽo bám theo khách du lịch, tranh giành với người khác để bán đồ lưu niệm;… Vậy phải chăng, trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi chưa có chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp?

Thực tế không phải vậy. Kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan của Tổ công tác 569 (Tổ công tác của Ủy ban Dân tộc về kết nối, nghiên cứu, hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp) cho thấy, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vùng DTTS khá đầy đủ. Đồng bào DTTS hiện có thể được tiếp cận rất nhiều chính sách, từ hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề đến vay vốn tín dụng; thậm chí cả chính sách trợ giúp pháp lý, tư vấn… Tuy nhiên, có thể là do đồng bào DTTS chưa biết đến, hoặc do vướng mắc trong thực hiện ở cơ sở nên việc tiếp cận các chính sách này là không dễ dàng.

Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của Má A Nủ có thể thấy rõ nhận định này. Học nghề thì Nủ có thể tiếp cận chính sách đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg; vay vốn phát triển sản xuất thì có thể thụ hưởng Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, hoặc theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg, hoặc theo Quyết định 755/QĐ-TTg (từ năm 2017 được thay thế bằng Quyết định 2085/QĐ-TTg); phát triển HTX thì tiếp cận chính sách theo Quyết định 2261/QĐ-TTg hoặc Quyết định 23/2017/QĐ-TTg; để mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu, Nủ có thể tiếp cận “Chương trình phát triển thương mại vùng biên giới, miền núi và hải đảo giai đoạn 2015-2020” theo Quyết định 964/QĐ-TTg;… Cùng với đó, đề án “Hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016.

Tất cả những chính sách trên đều là “bệ phóng” để đồng bào DTTS mạnh dạn khởi nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để kết nối chính sách với nhu cầu khởi nghiệp. Bởi thực tế, thanh niên DTTS ít có thông tin về các chính sách này, hoặc không có điều kiện để tiếp cận.

Một vấn đề cũng cần lưu ý là hiện nay chưa có một chính sách cụ thể dành cho đồng bào DTTS khởi nghiệp; tất cả đều là những chính sách chung, dành cho mọi mục tiêu. Chính điều này cũng là rào cản khiến người khởi nghiệp, và cả với chính quyền địa phương mơ hồ, lúng túng khi tiếp cận, triển khai chính sách. Hơn nữa, hiện vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào để hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp bằng những sản phẩm thế mạnh của vùng DTTS và miền núi, như dược liệu và du lịch cộng đồng.

Thực tế này cho thấy, con đường khởi nghiệp của đồng bào DTTS muốn thành công, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực; không chỉ từ nội lực của đồng bào mà rất cần sự quan tâm, vào cuộc và sự điều phối hiệu quả của các đơn vị thực hiện công tác dân tộc.
 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành