Lai Châu áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 63 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp cùng hàng trăm trang trại, gia trại nông nghiệp.
Trong số đó, nhiều hợp tác xã làm ăn hiệu quả nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là các tiến bộ trong công nghệ sinh học, giúp cho ra đời những sản phẩm nông sản an toàn, có giá trị kinh tế cao.
Mặc dù là địa phương vùng sâu, vùng xa, đa số đồng bào là người dân tộc thiểu số trong khi điều kiện hạ tầng, kinh tế còn nhiều khó khăn. Song thời gian qua, cùng với các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và sự chủ động của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp cho giá trị kinh tế trên đồng đất Lai Châu ngày càng tăng.
Trong rất nhiều mô hình áp dụng khoa học, nhất là công nghệ sinh học thành công phải kể đến Hợp tác xã Đông Phong tại thành phố Lai Châu. Cụ thể, trên diện tích đất chỉ khoảng 5 héc-ta với 3 tỷ đồng tiền vốn và 7 thành viên tham gia, nhưng nhờ thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên thu nhập của các xã viên luôn ổn định ở mức cao. Anh Võ Đức Cảnh - thành viên Hợp tác xã Đông Phong - cho biết, khu chuồng trại được xây dựng quy mô, khép kín, toàn bộ phần máng ăn và nước uống đều sử dụng hệ thống tự động cung cấp đến từng chuồng, vừa giảm thiểu nhân công cho lợn ăn, kiểm soát tình trạng lây nhiễm bệnh từ bên ngoài, vừa đảm bảo định lượng dinh dưỡng lợn ăn hàng ngày, thu được hiệu quả, năng suất cao.
Đặc biệt, bên cạnh khu chuồng thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông nhờ hệ thống lọc khí và quạt thông gió còn có hệ thống bioga vừa sạch sẽ vừa tận dụng được chất đốt sử dụng cho cả trang trại. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí, nhân công mà lợn cũng được cung cấp đủ lượng đạm tăng trưởng, thịt chắc, thơm và thị trường chấp nhận, mang lại nguồn thu lớn cho hợp tác xã.
Tương tự, trang trại chăn nuôi của anh Tạ Văn Hiền ở bản Cắng Đắng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) có diện tích 2,7 héc-ta. Trong đó, hệ thống ao nuôi cá thương phẩm do anh tự thiết kế có hệ thống nước tự khơi thông vào ao, thoát nước cho từng ao. Cùng với đó là hệ thống phòng sưởi gia cầm đảm bảo phòng trừ dịch bệnh. Anh Hiền cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế, mỗi trang trại, gia trại muốn thành công đều tự nghiên cứu sinh học nhằm lai tạo giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Ngoài những trang trại được đánh giá là điển hình nói trên, được biết, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã đạt được những bước tiến dài trong ứng dụng công nghệ, tạo đà sản xuất. Nhiều nguồn gen quý bản địa được phục tráng, bảo tồn và nhân rộng như: Giống lúa nếp tan cò giàng, khẩu ký (huyện Tân Uyên); giống lúa chịu lạnh, ngô chịu hạn (huyện Phong Thổ); giống dược liệu có giá trị (huyện Sìn Hồ)... giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân địa phương.
Đặc biệt, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (Sở Khoa học và Công nghệ) cũng đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa quả Gia Lâm thuộc Viện Nghiên cứu rau quả (Hà Nội) phối hợp thực hiện Dự án ứng dụng chế phẩm sinh học sản xuất phân hữu cơ phục vụ sản xuất một số giống rau và rau thương phẩm an toàn tại tỉnh Lai Châu.
Qua các buổi hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kiến thức, Trung tâm đã triển khai mô hình sản xuất su hào giống winer F1 và cà chua giống indigo rose (Nhật Bản) vụ đông năm 2016 - 2017 tại huyện Tam Đường. Sau khi tổ chức hội thảo đầu bờ cho thấy, su hào đạt sản lượng 16 tấn/héc-ta, cà chua 13 tấn/héc-ta. Cách trồng cây trong bầu, sử dụng giàn trồng cà chua, hệ thống tưới... là điều kiện tiên quyết để mô hình thành công, có hướng nhân rộng.
Có thể nói, việc áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh của người dân, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và là hướng đi đúng đắn cho không chỉ ngành nông nghiệp Lai Châu nói riêng mà còn là mô hình có thể áp dụng cho các địa phương miền núi phía Bắc nói chung trong thời gian tới.