Lối mở nào cho giảm nghèo bền vững ở Tây Bắc?

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hết năm 2016, cả nước có 31.212 hộ tái nghèo, đồng thời phát sinh thêm 153.537 hộ nghèo. Các tỉnh miền núi Tây Bắc vẫn đứng tốp đầu về số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh. Có thể nói, ở Tây Bắc, bài toán giảm nghèo bền vững cho vùng “lõi nghèo” vẫn chưa tìm trúng cách giải.

Giảm nghèo, “ra 1 vào 2”

Ngày 22-6-2017, Bộ LĐTBXH đã phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 tại Quyết định số 945/QĐ-LĐTBXH. Theo đó, hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 8,23%, giảm gần 2% so với năm 2015. Đáng chú ý, theo kết quả rà soát của Bộ LĐTBXH thì tình trạng “ra 3 vào 1” trong giảm nghèo vẫn tái diễn. Thậm chí, thoát nghèo rồi tái nghèo có xu hướng trầm trọng hơn khi một số địa phương “ra 1 vào 2”, tập trung ở khu vực miền núi Tây Bắc.

Cụ thể, trong 31.212 hộ tái nghèo năm 2016 của cả nước thì 4 tỉnh miền núi Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) đã có 11.956 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 38,3% số hộ tái nghèo của cả nước. Còn số hộ tái nghèo của khu vực miền núi Đông Bắc chỉ có 1.107 hộ, đồng bằng sông Hồng 7.744 hộ, Bắc Trung bộ 6.226 hộ, duyên hải miền Trung 2.475 hộ, Tây Nguyên 832 hộ, Đông Nam bộ 156 hộ, đồng bằng sông Cửu Long 716 hộ.

Trong khi đó, số hộ nghèo phát sinh trong năm 2016 của khu vực miền núi Tây Bắc lại chỉ đứng thứ 3 trong 8 khu vực theo sự phân định của Bộ LĐTBXH. Cụ thể, hết năm 2016, 4 tỉnh miền núi Tây Bắc có 17.486 hộ nghèo phát sinh, cao hơn khu vực duyên hải miền Trung (12.402 hộ) và khu vực Đông Nam bộ (4.538 hộ). Còn các khu vực khác, số hộ nghèo phát sinh lại rất cao. Cao nhất là miền núi Đông Bắc (26.182 hộ), kế đến là đồng bằng sông Hồng (24.413 hộ), Bắc Trung bộ (23.406 hộ), Tây Nguyên (22.663 hộ), đồng bằng sông Cửu Long (22.447 hộ).

Như vậy, số hộ nghèo phát sinh của 4 tỉnh Tây Bắc không cao hơn so với các khu vực khác, nhưng số hộ tái nghèo lại dẫn đầu. Điều này cho thấy việc giảm nghèo ở 4 tỉnh này thực sự thiếu bền vững.

Chiếu theo số liệu rà soát của Bộ LĐTBXH thì tỉnh Sơn La là “hiện tượng tái nghèo của năm”. Cả 4 tỉnh miền núi Tây Bắc có 11.956 hộ tái nghèo thì Sơn La đã “độc chiếm” 10.349 hộ. Ngoài ra, hết năm 2016, tỉnh này còn bổ sung thêm 10.060 hộ nghèo mới. So với năm 2015 thì năm 2016, toàn tỉnh Sơn La có 16.512 hộ thoát nghèo, nhưng lại có 20.409 hộ tái nghèo và nghèo phát sinh.

Nhưng Sơn La không phải là tỉnh nghèo “bền vững” nhất mà Điện Biên và Lai Châu mới là những địa phương sở hữu “danh hiệu” này. Hết năm 2016, tỉnh Lai Châu không có hộ tái nghèo, nhưng vẫn giữ tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 34,81%. Còn Điện Biên chỉ có 785 hộ tái nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 của tỉnh là 44,82%, cao nhất cả nước.

Thiếu nội lực, nghèo “bền vững”

Lâu nay, việc các tỉnh miền núi Tây Bắc được xác định là “lõi nghèo” của cả nước không có gì mới. Nhưng điểm khác lạ là kết thúc năm 2016, tỷ lệ tái nghèo ở khu vực này lại tăng đột biến, nhất là tỉnh Sơn La.

Xét trên phương diện khách quan thì các tỉnh Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai khắc nghiệt. Năm 2016, chưa tính tổn thất về người thì mưa lũ đã gây thiệt hại cho tỉnh Sơn La hơn 433 tỷ đồng. Năm 2017, chỉ chưa đầy 2 ngày (2 và 3-8), riêng huyện Mường La của tỉnh này đã thiệt hại hơn 375 tỷ đồng do mưa lũ.

Những con số đó cho thấy, việc phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi Tây Bắc như người leo núi mùa mưa, bước được 2 bước lại lùi một bước. Với riêng công tác giảm nghèo lại càng đáng lo hơn, vừa thoát nghèo, thậm chí đã có thể vươn lên khá giả, thì chỉ sau một cơn lũ lại trở về nghèo.

Nhưng có một nguyên nhân “bản chất” cần được nhìn nhận một cách thấu đáo là việc giảm nghèo ở các địa phương này vẫn chủ yếu dựa vào ngoại lực - sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa khơi dậy nội lực của địa phương, của người dân. Chính vì thiếu nội lực nên thoát nghèo rồi lại tái nghèo trở thành “chuyện thường ngày”. Rõ nhất cho nhận định này là việc phân bổ vốn đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo ở các địa phương.

Gần như đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, phần lớn nguồn vốn được ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng, còn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất lại rất khiêm tốn. Như năm 2017, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của Sơn La là gần 362 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình 30a được phân bổ hơn 182 tỷ đồng, thì vốn đầu tư hạ tầng đã chiếm hơn 132 tỷ đồng, vốn sự nghiệp chỉ gần 50 tỷ đồng. Tương tự, tổng nguồn vốn Chương trình 135 năm 2017 bố trí cho Sơn La là gần 170 tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư hạ tầng đã chiếm gần 119 tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp.

Dẫu rằng, việc ưu tiên vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng là nhằm phát triển kinh tế-xã hội, xây nền vững chắc để giảm nghèo bền vững; nhưng cũng cần phải lưu ý, hạ tầng kiên cố sẽ có tác dụng như thế nào nếu như trong đó không có nội lực để phát huy? Đúng như Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu đã đặt câu hỏi rằng, giúp dân xóa nhà tạm nhưng trong nhà không có gì đáng giá thì làm sao giảm nghèo được?

Mở rộng ra, ở vùng “lõi nghèo”, nếu chỉ tập trung kiên cố hóa bộ mặt nông thôn miền núi mà ít chú trọng tạo sinh kế lâu dài cho người dân thì kết quả giảm nghèo sẽ như bong bóng xà phòng. Chỉ sau một cơn lũ, hạ tầng bị cuốn trôi, đồng nghĩa với việc phải rót vốn để đầu tư lại. Còn với hộ nghèo, vì thiếu “cần câu” bền vững nên khi thiên tai đi qua, bà con lại vẫn tiếp tục chờ “xâu cá”. Vòng luẩn quẩn trong giảm nghèo này bao giờ sẽ có lối mở nếu vùng “lõi nghèo” chưa phát huy được nội lực?

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành