Nghịch lý trong xây dựng mô hình giảm nghèo
Nghệ An là tỉnh được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án để xây dựng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho đồng bào các DTTS. Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, trong đó còn quá ít mô hình kinh tế giảm nghèo, vần còn rất nhiều tồn tại.
Như hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương
trình 135, giai đoạn 2012-2016, toàn tỉnh được bố trí hơn 140 tỷ đồng để xây dựng
các mô hình kinh tế, nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được hơn 4 tỷ đồng để xây
dựng 13 mô hình. Nguyên nhân được xác định là do trình tự xây dựng mô hình ở địa
phương chưa hợp lý.
Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Nghệ An, để xây dựng mô hình kinh tế từ nguồn
vốn Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh thì cấp xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân rồi
thống nhất nội dung làm mô hình trình lên huyện để duyệt. Dân chủ thì có thực
nhưng chưa hợp lý bởi những mô hình được xã trình lên chưa chắc đã được huyện
duyệt, huyện duyệt rồi nhưng chưa chắc đã phù hợp với chủ trương của tỉnh. Đáng
lẽ nên để cấp trên khảo sát, nghiên cứu rồi giao mô hình cụ thể để cơ sở thực
hiện.
Một nghịch lý khác liên quan đến việc nhân rộng mô
hình kinh tế đang nằm ngay văn bản quy định. Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở
Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Nghệ An, cho biết, theo Quyết định
số 1722/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2016-2020 thì Sở NNPTNT trực tiếp chỉ đạo hoạt động hỗ trợ phát triển
sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Còn Sở LĐTBXH lại trực tiếp chỉ đạo hoạt động
nhân rộng mô hình giảm nghèo.
“Rõ ràng là không hợp lý, không sát thực tiễn vì
ngành Nông nghiệp chỉ đạo xây dựng mô hình, trong khi ngành LĐTBXH lại đi nhân
rộng mô hình. Từ kinh nghiệm thực tiễn qua chỉ đạo thì mới nhân rộng ra được. Giao
cho ngành LĐTBXH nhân rộng là không sát, nên nó ảnh hưởng là tất yếu”, ông Toàn
phân tích.
Thiết nghĩ, xây dựng mô hình hỗ trợ giảm nghèo là cần
thiết, nhưng việc nhân rộng mô hình lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Do đó,
những nghịch lý nêu trên rất cần sớm được tháo gỡ để thúc đẩy giảm nghèo bền vững.