Những “lỗ hổng” trong thực thi bình đẳng giới

Đã hơn 10 năm từ khi có Luật Bình đẳng giới và 7 năm Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được ban hành, bất bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi vẫn là thực trạng đáng báo động. Nguồn lực thực hiện bình đẳng giới là không hề nhỏ, nhưng gần như chưa được bố trí đủ cho những “vùng lõm” về bất bình đẳng giới.

Bất bình đẳng giới không chỉ ở bạo lực gia đình

Một trong những hiện tượng rõ nhất cho tình trạng bất bình đẳng giới (BBĐG) hiện nay là vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ). Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm, Việt Nam xảy ra 36.000 vụ BLGĐ. Trong đó, nạn nhân là phụ nữ chiếm trên 80%.

Tình trạng BLGĐ xảy ra nhiều ở vùng DTTS và miền núi. Rất nhiều chị em phụ nữ DTTS đã và đang chịu bạo lực từ chính người chồng sống chung dưới một mái nhà.

Theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS (Ủy ban Dân tộc), có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ ở vùng DTTS và miền núi, như tình trạng lạm dụng rượu, bia; cờ bạc, nghiện ma túy; thiếu hiểu biết pháp luật…

“Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất của vấn nạn BLGĐ là tình trạng BBĐG. Chính vì không được bình đẳng trong gia đình, cộng đồng nên người phụ nữ khi bị bạo lực phải cắn răng chịu đựng”, bà Tư cho biết.

Bà Tư kể, có lần lên công tác ở Mường Nhé (Điện Biên), bà gặp một phụ nữ người Mông bị chồng đánh, hỏi sao không báo chính quyền thì bà nhận được câu trả lời: “Mình là vợ nó, nó đánh mình lại đi kể người khác nghe để người ta cười cho. Báo chính quyền nhỡ người ta bắt nó thì sao? Rượu vào nó mới đánh, chứ hàng ngày nó vẫn là cha, là chồng mà…”.

Theo bà Tư, BLGĐ chỉ là bề nổi của tình trạng BBĐG. Một thực tế hiện hữu trong đời sống đồng bào các DTTS lâu nay là người phụ nữ luôn đứng phía sau người chồng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

“Tình trạng BBĐG ở vùng DTTS hiện rất đáng lo ngại. Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ nam giới đứng tên độc lập về sở hữu đất đai và tín dụng chiến 74%, trong khi tỷ lệ này ở người Kinh là 41%; tỷ lệ biết đọc biết viết ở nữ người DTTS rất thấp, trong đó dân tộc Mông chỉ có 33,3% dân số nữ biết đọc biết viết, dân tộc Lự chỉ có 23,3% dân số là nữ biết đọc biết viết,... Ngoài ra, các chỉ số về y tế, tiếp cận thông tin,... thì nữ người DTTS được thụ hưởng rất thấp”, bà Tư cho biết.

“Vênh” giữa kỳ vọng và thực tế

Những năm qua,  Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo đảm BĐG. Nhưng từ quan điểm chính sách tới việc thực hiện vẫn còn khoảng trống nhất định.

Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS (Ủy ban Dân tộc) cho hay, từ ngày 01/1/2007, Luật BĐG bắt đầu có hiệu lực. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chiến lược Quốc gia về BĐG, giai đoạn 2011-2020. Nhưng vùng DTTS và miền núi hiện vẫn là “vùng lõm” về BĐG.

“Lên vùng cao phía Bắc, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chẳng khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn bà đi sau lưng ngựa; trên lưng ngựa là một ông chồng say ngất ngưởng sau một phiên chợ. Trước đó, người vợ phải kiên nhẫn ngồi chờ chồng  “chén chú chén anh” hàng tiếng đồng hồ”, bà Tư chia sẻ.

Cứ cho rằng, hình ảnh “những người đàn bà đằng sau lưng ngựa” là tục lệ của đồng bào dân tộc Mông bao đời nay. Nhưng điều này cũng cho thấy sự cam chịu của người phụ nữ Mông trong gia đình, trong cộng đồng. Với họ, là cái bóng của chồng, của gia đình dường như đã là số phận, là cái “lệ” được định thành quy ước.

“Có lẽ chỉ có ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào DTTS mới có việc người phụ nữ nắm đuôi ngựa đưa chồng về bản như vậy. Vì thế, khi thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐG, chúng ta phải có những nội dung, hoạt động tuyên truyền về BĐG cho phù hợp”, bà Tư cho biết.

Rõ ràng, việc xây dựng được những hoạt động mang tính đặc thù là động lực thúc đẩy BĐG vùng DTTS và miền núi. Nhưng có một thực tế, ngay cả việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐG cũng đang gặp rất nhiều thách thức, không riêng gì ở một phạm vi, một khu vực.

Từ năm 2011, các địa phương bắt tay vào thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐG, với mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Nhưng theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay, các bộ, ngành, địa phương vẫn còn lúng túng về mô hình tổ chức, cũng như phương thức hoạt động. Hiện chỉ có Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc bố trí cán bộ làm công tác BĐG tại vụ chuyên môn; các cơ quan còn lại, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác BĐG.

Còn tại địa phương, cả nước mới có 126 cán bộ làm công tác BĐG ở các tỉnh, thành phố; trong đó, có 72 cán bộ chuyên trách; cũng chỉ mới có 9/63 Sở Lao động-Thương binh và xã hội thành lập được Phòng BĐG.

Như vậy, sau gần 7 năm thực hiện, giữa mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về BĐG và thực tế BBĐG vẫn còn một khoảng cách rất xa. Nhất là ở vùng DTTS và miền núi, vần đề BĐG đang là một thực trạng đáng lo ngại.

Hiện nay, dù vùng DTTS và miền núi đã và đang triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ tương đối bao phủ các mặt của đời sống, nhưng lại đang thiếu chiến lược lâu dài về bảo đảm BĐG. Vì vậy, việc xây dựng một chính sách đặc thù thúc đầy BĐG ở khu vực này là cần thiết.

Nhưng xây dựng chính sách hỗ trợ như thế nào để thúc đẩy BĐG vùng DTTS và miền núi vừa nằm trong Chiến lược Quốc gia về BĐG, vừa bảo đảm phù hợp với tính đặc thù vủa BBĐG ở khu vực này? Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh trong số báo tiếp theo. 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành