Phát huy vai trò Người có uy tín: Cần điều chỉnh từ cơ sở
Ủy ban Dân tộc đang hoàn thiện dự thảo quyết định thay thế Quyết định 18/2011/QĐ-TTg (QĐ 18) và Quyết định 56/2013/QĐ-TTg (QĐ 56) về chính sách đối với Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Sửa đổi, bổ sung chính sách để phát huy hơn nữa vai trò của Người có uy tín là điều cần thiết, nhưng cốt lõi vẫn là phải điều chỉnh quá trình thực hiện ở cấp cơ sở.
Cung cấp thông tin thường xuyên, đầy đủ cho Người có
uy tín về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình, dự án,… là
trách nhiệm của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, lâu nay nội dung này chưa được
thực hiện tốt tại cơ sở.
Vai
trò cán bộ về hưu
Noong U là xã vùng cao ĐBKK của huyện 30a Điện Biên
Đông, tỉnh Điện Biên. Xã có khoảng 500 hộ nhưng có hơn 400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ
trên 80% theo chuẩn nghèo mới. Cùng với cái nghèo ở Noong U là sự phức tạp về
an ninh trật tự xã hội, nhất là tệ nạn ma túy.
Nhưng ở Noong U có một bản không nghèo, đó là bản Tìa
Ló B. Cả bản có 54 hộ thì chỉ có 10 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,5%. Bản được công
nhận là bản văn hóa, trong bản không có người mắc các tệ nạn xã hội.
Người góp phần làm nên kỳ tích cho Tìa Ló B là già
làng Cứ Chừ Tú. Cũng như những Người có uy tín khác, ông Tú là “đầu tàu” trong
phát triển kinh tế gia đình, nêu gương trong cuộc sống thường nhật, tuyên truyền,
vận động bà con trong bản xây dựng gia đình văn hóa,…
Cái khác ở ông Tú là với kiến thức của một cán bộ về
hưu, ông đã tìm những hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực. Hơn 30 năm
công tác, từng là Chủ tịch xã, rồi Bí
thư Đảng ủy xã, năm 2010, ông Tú về hưu, sinh sống tại bản Tìa Ló B. Đã kinh
qua chức vụ lãnh đạo xã nên ông Tú thông tỏ chủ trương, đường lối cũng như kế
hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Về hưu, ông có thêm thời gian
nghiền ngẫm thực tế, hiến kế cho chính quyền địa phương những giải pháp hữu ích
để phát triển kinh tế-xã hội.
Từng trăn trở với việc đất đai bị bỏ hoang, trong
khi đời sống bà con rất nghèo do thiếu đất sản xuất, “tướng về hưu” Cứ Chừ Tú đề
xuất với xã cho 54 hộ ở Tìa Ló B khai hoang. Để bà con trong bản tin, nghe
theo, Cứ Chừ Tú bắt tay làm trước, khai hoang những quả đồi trọc để làm ruộng bậc
thang.
Sau vài năm, tận mắt thấy những quả đồi bỏ hoang bấy
lâu, dưới sự chăm chỉ của gia đình ông Tú, thành những thửa ruộng bậc thang cho
thóc đầy bồ sau mỗi vụ thu hoạch, lần lượt 54 hộ ở Tìa Ló B làm theo. Được ông
Tú tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nên bà con trong bản
tích cực khai hoang đất trống.
Nhờ đó, 54 hộ ở bản Tìa Ló B hiện đều có ruộng lúa,
nương ngô; hộ nhiều có cả héc ta ruộng bậc thang, hộ ít cũng vài ba trăm mét
vuông trồng ngô, lúa nước… Ngoài ra, với sự dẫn dắt của già làng Cứ Chừ Tú, 54
hộ dân tích cực phát triển kinh tế vườn-ao-chuồng. Có ruộng, có nương, lại có thêm
ao cá, chuồng trại, bà con trong bản tập trung sản xuất, không phá rừng làm
nương, cũng chẳng sa vào các tệ nạn xã hội khác.
Thiếu
thông tin, khó thuyết phục
Cũng như già làng Cứ Chừ Tú, gần 30.000 Người có uy
tín trong vùng đồng bào DTTS của cả nước đang ngày đêm tâm huyết thực hiện vai
trò làm cầu nối giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với người dân. Nhưng thẳng thắn
mà nói, không phải ai cũng phát huy được vai trò là “đầu tàu”.
Chẳng đâu xa, ngay ở xã Noong U của huyện Điện Biên Đông
cũng đủ minh chứng. Cả xã có 12 bản thì chỉ duy nhất bản Tìa Ló B là điểm sáng.
Tìa Ló B dường như “lạc lõng” giữa 11 bản còn lại; bởi tỷ lệ hộ nghèo ở 11 bản
này cao ngất ngưởng, cao nhất là bản Dư O với tỷ lệ nghèo gần 100%. Cùng với đó
là tình hình an ninh trật tự ở 11 bản rất phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy, đưa
Noong U thành một điểm nóng về các loại tội phạm ma túy của huyện Điện Biên
Đông.
Theo QĐ 18 (sau được sửa đổi, bổ sung bằng QĐ 56), mỗi
thôn, bản được bầu chọn một Người có uy tín để thực hiện vai trò “đầu tàu”. Như
vậy, 12 thôn bản của xã Noong U thì có 12 Người có uy tín. Trong điều kiện đặc
điểm kinh tế-xã hội, dân cư, các chính sách đầu tư, hỗ trợ,… của 12 bản là
tương đồng nhau, vì sao bản Tìa Ló B lại trở nên khác biệt so với 11 bản còn lại?
Sẽ có ý kiến cho rằng, đó là nhờ “đầu tàu” của Tìa
Ló B là cán bộ xã đã nghỉ hưu nên có đầy đủ kiến thức về các kế hoạch phát triển
kinh tế-xã hội của địa phương, hiểu biết các chính sách,… Điều này hoàn toàn
đúng, nhưng sẽ lại khập khiễng khi so sánh với quy định của QĐ 18, QĐ 56.
Theo đó, chính quyền địa phương phải cung cấp thông
tin thường xuyên về các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình, dự
án,… cho đội ngũ Người có uy tín. Người có uy tín còn được trang bị kiến thức
thông qua các buổi tập huấn, bồi dưỡng tập trung; thông qua các chuyến thăm
quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác,…
Như vậy, cả 12 Người có uy tín của Noong U đều được bồi
dưỡng kiến thức để thực hiện vai trò “đầu tàu” của mình. Nhưng việc vận dụng
các thông tin được cung cấp tùy thuộc vào khả năng của từng Người có uy tín.
Điều này là dễ hiểu, nhưng lại cho thấy một bất cập
trong việc trang bị kiến thức cho Người có uy tín của chính quyền cơ sở. Lâu
nay, việc cung cấp thông tin cho Người có uy tín gần như chỉ mang tính hình thức.
Chính quyền cơ sở (ở đây là cấp xã, cấp huyện) khi cung cấp thông tin về tình
hình kinh tế-xã hội, các chương trình, dự án,… đều chung chung, không cụ thể;
thậm chí còn có tâm lý “ngại các cụ biết” (!?).
Không được biết cụ thể nên không ít Người có uy tín “chẳng
có cái gì để nói” trong quá trình tuyên truyền, vận động bà con. Hạn chế này bộc
lộ rõ nhất trong tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phong trào phát triển
kinh tế của địa phương. Có không ít chương trình, dự án, Người có uy tín không
được biết, chẳng được bàn nên khi xảy ra mâu thuẫn, bà con không đồng thuận thì
Người có uy tín không thể tuyên truyền, vận động được. Để phát huy vai trò của
Người có uy tín thì thời gian tới, hạn chế này phải được giải quyết.