Phước Bình chuyển đổi cây trồng tăng hiệu quả kinh tế cho vùng cao
Những năm gần đây, đồng bào xã vùng cao Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo đột phá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phước Bình là xã miền núi được hỗ trợ từ Chương trình 30a của Chính phủ. Toàn xã có 925 hộ, với 4.261 nhân khẩu, bao gồm 5 dân tộc: Raglai, Kinh, Chu, K’ho, Chăm. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã hơn 28.800 ha; trong đó, đất nông nghiệp gần 2.500 ha nhưng chủ yếu là đất đồi núi. Người dân ở đây trồng bắp và lúa nhưng nguồn nước tưới chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, đời sống sản xuất của đồng bào gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Hùng Bảo Châu, Phó Chủ tịch xã Phước Bình cho biết, trước bài toán làm sao để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào là một trong những vấn đề được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phước Bình trăn trở, suy nghĩ. Công tác tuyên truyền được lồng ghép trong các buổi họp thôn triển khai chính sách để người dân hiểu rõ lợi ích.
Bằng các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình 30a, 135, 167, dự án hỗ trợ tam nông tỉnh, chính quyền xã hỗ trợ, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đầu tư sản xuất, nhân rộng. Các loại cây được vận động đưa vào sản xuất là bắp lai, chuối, điều, sầu riêng, bưởi, mít, chôm chôm thay thế cho những cây trồng chịu hạn kém, năng suất thấp.
Ông Katơr Chiên ở thôn Bạc Rây 1, xã Phước Bình cho hay, trước đây, gia đình chỉ trồng lúa và bắp, những năm hạn hán phải dừng sản xuất, đời sống khó khăn. Năm 2011, được cán bộ xã vận động, Vườn quốc gia Phước Bình hỗ trợ giống bưởi, gia đình trồng thử nghiệm 5 sào bưởi với hơn 150 gốc bưởi trên đất đồi dốc. Năm 2016, vườn bưởi cho thu hoạch lứa đầu tiên, trung bình mỗi quả nặng từ 1,5 - 2 kg, được thương lái thu mua với giá hơn 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 40 triệu đồng.
Từ một vài hộ trồng thử nghiệm cho kết quả tốt, đến nay, cây bưởi da xanh được trồng với tổng diện tích 45 ha tập trung chủ yếu ở các thôn Bạc Rây 1, Bạc Rây 2. Ước tính 1 sào bưởi cho thu nhập từ 30 triệu đồng/mùa và bà con đang có nhu cầu trồng, mở rộng thêm diện tích. Vườn Quốc gia Phước Bình cũng đang tuyển chọn các cây bưởi da xanh trên địa bàn có sản lượng cao, chất lượng quả tốt. Đồng thời, xây dựng hồ sơ tuyển chọn cây đầu dòng, thu mua giống để xây dựng vườn giống đầu dòng, chủ động sản xuất cung cấp giống cho bà con.
Bên cạnh đó, nhiều cây trồng cho giá trị kinh tế cao, giúp người dân ở đây giảm nghèo bền vững. Hiện toàn xã có 741 ha chuối. Cây chuối cho thu nhập quanh năm, dễ trồng, dễ chăm sóc, đặc biệt phù hợp với đất đồi, núi, sản lượng đạt 10 tấn/ha; ước tính 1 ha thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Mô hình trồng điều được Vườn Quốc gia Phước Bình hỗ trợ giống, kỹ thuật giúp phủ xanh đất rừng, vừa cho hiệu quả kinh tế được bà con nhanh chóng triển khai trồng với diện tích 577 ha; ước tính 1 ha điều cho thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/mùa. Năm 2016, hạt điều được giá nên hộ dân có thu nhập đáng kể; mỗi hộ trồng điều thu từ 15 - 50 triệu đồng.
Thu nhập khá từ cây trồng, vật nuôi làm thay đổi diện mạo đời sống của bà con. Năm 2016, xã Phước Bình kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 43,99% (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều) giảm 7,04% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2015 (51,03%); thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/người/năm.
Trong năm 2017, xã Phước Bình tiếp tục xây dựng và thực hiện Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để đạt hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020" với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 35 triệu đồng/ha đất nông nghiệp; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến để tăng năng suất trung bình năm. Đồng thời, phát triển và mở rộng diện tích trồng chuối lên 850 ha, bưởi 150 ha, sầu riêng 30 ha.
Ông Phạm Hùng Bảo Châu cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của bà con, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.