Quy định mới về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung
Từ 10/9/2017, Thông tư số 76/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 54/2013/TT-BTC về quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành. Nhưng liệu đây có phải là chìa khóa giải bài toán “cha chung không ai khóc” ở nhiều công trình nước sạch lâu nay?
Hơn 26,1% công trình nước sạch “đắp chiếu”
Thời
gian qua, Chính phủ đã tập trung phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn,
nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Nhưng bên cạnh những công
trình phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều công trình được đầu tư xây dựng hàng tỷ
đồng nhưng bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách nhà nước và bức xúc trong nhân dân.
Công
trình nước sạch ở xã Hùng Quan, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) là một dẫn chứng. Công
trình có tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2011; công trình
nhằm bảo đảm nước sinh hoạt thường xuyên, lâu dài cho khoảng 700 hộ dân. Nhưng cuối
năm 2012, do nguồn nước cạn kiệt nên công trình này ngừng hoạt động cho đến nay.
Tương
tự, Nhà máy nước sạch xã Gia Phố (Hương Khê-Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 18
tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đưa
vào sử dụng tháng 10/2014. Nhưng 3 tháng sau (tháng 1/2015) công trình bị hư hỏng,
sau đó lâm vào tình trạng “sửa chỗ này thì hỏng chỗ khác”. Từ đợt lũ tháng
10/2016 đến nay, công trình ngừng hoạt động hoàn toàn.
Hai
trường hợp nêu trên chỉ là dẫn chứng cho hàng nghìn công trình nước sạch được đầu
tư tiền tỷ tại các địa phương nhưng không phát huy hiệu quả. Thống kê của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, cả nước hiện có khoảng
16.220 công trình cấp nước tập trung được xây dựng. Nhưng đến nay có gần 2.500
công trình hoạt động kém hiệu quả, gần 1.800 công trình không hoạt động, chiếm
26,1% tổng số công trình nước sạch đã xây dựng.
Có chế tài nhưng “đá bóng” trách nhiệm
Từ
việc kiểm đếm những công trình nước sạch bị hư hỏng, hoạt động kém hoặc không
hiệu quả, hàng loạt nguyên nhân dẫn tới tình trạng này đã được chỉ ra. Trong
đó, khâu quản lý sau đầu tư chưa phù hợp, còn nhiều yếu kém được xác định là
nguyên nhân hàng đầu.
Theo
ông Đỗ Văn Thành , Vụ trưởng Vụ Quản lý
nguồn nước và Nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), lâu nay, việc
quản lý các công trình nước sạch do nhiều đơn vị thực hiện, như: đơn vị sự nghiệp
công lập (trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, ban quản lý
dự án huyện…), doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, UBND xã,… Quyền và nghĩa vụ của
các đơn vị quản lý công trình nước sạch được quy định rất rõ tại Thông tư số
54/2013/TT- BTC, ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng
và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Theo
quy định tại thông tư này thì các đơn vị được giao quản lý các công trình nước
sạch có trách nhiệm bố trí kinh phí để duy tu, bão dưỡng công trình; bảo đảm cung
cấp nước cho khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng
dịch vụ. Chế tài là vậy nhưng khi công trình hư hỏng thì các bên liên quan thường
đổ lỗi cho nhau, không ai gánh trách nhiệm về mình.
Như
công trình nước sạch ở huyện Đà Bắc, sau khi hoàn thành được giao cho Công ty
MTV nước sạch tỉnh Hòa Bình quản lý, vận hành. Nhưng từ cuối năm 2012, khi công
trình hư hỏng, đơn vị này dừng khai thác, cũng chẳng sửa chữa. Vì vậy mà công
trình có vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng từ từ nguồn vốn Chương trình nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn “đắp chiếu”.
Theo
ông Nguyễn Hữu Mai, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đà Bắc, việc quy
trách nhiệm rất khó. Quy cho đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thăm dò địa chất
cũng không đúng, chủ đầu tư thì căn cứ vào hồ sơ. Nặng nhất vẫn là cơ quản chủ
quản đầu tư là UBND huyện.
Tương
tự, Nhà máy nước sạch xã Gia Phố (Hương Khê-Hà Tĩnh) được giao cho Hợp tác xã nước
sạch-môi trường Gia Phố vận hành. Công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh
môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Khi công trình hư hỏng, Hợp
tác xã không có tiền nên làm công văn “kêu” chủ đầu tư. Còn chủ đầu tư nghĩ đã
“hết trách nhiệm” nên không đoái hoài đến đề xuất của Hợp tác xã. Thế nên công
trình ngày càng hư hỏng.
Đấu thầu quản lý-có khả thi?
Để
siết chặt khâu quản lý sau đầu tư các công trình nước sạch, ngày 26/7/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư
76/2017/TT-BTC về sửa đổi Thông tư số 54/2013/TT-BTC; thông tư có hiệu lực từ
ngày 10/9/2017.
Một
điểm mới của Thông tư số 76/2017/TT-BTC là sẽ tổ chức đấu thầu việc quản lý các
công trình nước sạch, với mục tiêu gắn trách nhiệm cho các đơn vị, tránh tình
trạng “cha chung không ai khóc” như lâu nay. Nhưng liệu mục tiêu này có đạt khi
mà vẫn còn nhiều điểm bất cập chưa được giải quyết triệt để.
Vướng
mắc phải kể đến đầu tiên là việc xác định giá trị thực tế của công trình để tổ
chức đấu thầu. Theo Thông tư số 76/2017/TT-BTC thì việc xác định lại giá trị thực
tế của công trình để giao vẫn thực hiện theo nguyên tắc giá trị còn lại của
nguyên giá ban đầu, thường được quy chiếu theo sổ sách kế toán. Do đó tình trạng
giá trị còn lại được xác định thường cao hơn so với giá trị thực tế của công
trình.
Như
vậy sẽ có tình huống, không ít đơn vị khi trúng thầu sẽ “ôm” những công trình
mà giá trị thực tế rất thấp, sẽ phải bỏ tiền của để đầu tư lại. Điều này chỉ xảy
đến với những công trình nước sạch ở những địa bàn tập trung đông dân cư, có thể
mang lại lợi nhuận cho đơn vị đấu thầu. Còn với những công trình nước sạch ở miền
núi, vùng sâu, vùng xa thì chắc chắn chẳng có đơn vị nào ngó ngàng tới vì khó
có thể sinh lãi.
Mặt
khác, cũng vì nguyên tắc đấu thầu này mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư
nhân, sẽ bỏ thầu vào các các công trình tốt, hoạt động hiệu quả. Còn các công
trình không tốt và kém hiệu quả vẫn lại giao cho UBND cấp xã và các đơn vị sự
nghiệp công lập. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì các công trình nước sạch
do UBND cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, vận hành cũng sẽ tiếp
tục hoạt động kém hoặc không hiệu quả do “cha chung không ai khóc”.
KT