Công tác đỡ đầu hộ nghèo: Chú trọng chất lượng giảm nghèo
Phong trào đỡ đầu hộ nghèo đã được bắt đầu từ nhiều năm trước với sự tham gia của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. Với việc hỗ trợ vốn, cây - con giống cùng sự gúp đỡ tận tâm từ những đơn vị nhận đỡ đầu, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh theo mục tiêu đề ra.
Năm 2018, huyện Hòa Bình có 3.049 hộ nghèo. Mục tiêu giảm nghèo của địa phương này là giảm nghèo bền vững, theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện đạt mục tiêu, Hòa Bình đã vận dụng được nguồn lực hỗ trợ hiệu quả từ các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện, xã, thị trấn. Trong đó 21/22 sở, ngành tỉnh đã nhận đỡ đầu 159 hộ với tổng số vốn được trao là trên 557 triệu đồng, mức hỗ trợ từ 3 - 4 triệu đồng/hộ.
Ông Lê Minh Đầy, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Bình, khẳng định: "Các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là cấp tỉnh ngày càng thực hiện tốt, có chất lượng công tác đỡ đầu hộ nghèo. Không chỉ hỗ trợ về vốn, các đơn vị còn theo sát từng hộ trong quá trình sử dụng vốn nhằm giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đánh giá của Phòng LĐ-TB&XH huyện, điểm chung ở những đơn vị thực hiện tốt chủ trương này là ngay từ khi nhận được danh sách hộ nghèo cần sự giúp đỡ, các đơn vị đã trực tiếp khảo sát điều kiện của từng hộ, nghiên cứu mô hình làm ăn thích hợp để từ đó đưa ra những phương án hỗ trợ cụ thể. Nhiều đơn vị không trao vốn mà trực tiếp mua cây, con giống hoặc phương tiện sản xuất trao cho hộ nghèo. Điển hình như Hội Cựu Chiến binh tỉnh, để giúp đỡ một hộ nghèo có nguồn lao động, Hội đã mua máy xịt thuốc trừ sâu để chủ hộ đi xịt thuốc thuê, thu nhập từ đó được cải thiện rõ rệt.
Không chỉ ở riêng huyện Hòa Bình, 71 ngành tỉnh và doanh nghiệp nhận đỡ đầu hộ nghèo đã trở thành một nguồn lực quan trọng để tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong năm 2019 là 2,4% hộ nghèo (khoảng 4.922 hộ) và đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9% vào cuối năm. Qua nhiều năm làm công tác đỡ đầu hộ nghèo, những đơn vị làm tốt như Cục Thuế tỉnh, Công ty Cổ phần Cấp nước Bạc Liêu, Sở GD-KH&CN, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Trường đại học Bạc Liêu, Sở Giao thông - Vận tải, Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh… đã có quy trình giúp đỡ khá bài bản từ khâu khảo sát đến trao vốn, theo dõi quá trình sản xuất, làm ăn của hộ nghèo. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục đã được chú trọng ngày càng nhiều hơn, giúp hộ nghèo nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện tốt công tác đỡ đầu hộ nghèo, vẫn còn một số ít đơn vị không xem đây là nhiệm vụ của mình. Thậm chí có đơn vị (chủ yếu là doanh nghiệp) không nhận chỉ tiêu đỡ đầu hộ nghèo. Trong khi đó, một số xã, thị trấn chọn hộ nghèo để đưa vào danh sách nhận đỡ đầu lại không đúng đối tượng như không có lao động, đi làm ăn xa, hộ có thu nhập cao… buộc đơn vị nhận đỡ đầu phải điều chỉnh sang hộ khác.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phương châm của công tác giảm nghèo, cũng là phương châm hành động của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác đỡ đầu hộ nghèo. Sự giúp đỡ hiệu quả từ nguồn lực này đang và sẽ còn phát huy tác dụng lâu dài cho cả hai phía - hộ nghèo được đỡ đầu và cả đơn vị nhận đỡ đầu.