Tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội để ứng phó những thách thức mới

Chính sách an sinh xã hội (ASXH) hiện đã bao trùm trên nhiều ngành, lĩnh vực và các vấn đề của đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chính sách chồng chéo, trong tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ nên dù bảo đảm diện “phủ sóng” nhưng tính hiệu quả của nhiều chính sách ASXH chưa cao.

Hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin cũng là một chính sách ASXH

Bao phủ rộng

Theo nghĩa thông thường, ASXH là các khoản trợ cấp bằng tiền, lương hưu, trợ cấp và khoản khác cho người có công và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây cũng là thông số được Tổng cục Thống kê (TCTK) tổng hợp trong các báo cáo tình hình kinh tế-xã hội thường kỳ. 

Như 9 tháng năm 2019, theo số liệu của TCTK, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 5,1 nghìn tỷ đồng, bao gồm 3,1 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1,2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và gần 0,8 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.

Nhưng đây mới chỉ là phạm vi hẹp trong hệ thống chính sách ASXH của nước ta. Bởi trên thực tế, ASXH không chỉ là các khoản trợ cấp xã hội mà còn được lồng ghép trong kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Theo dự thảo Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo, những năm qua, các chính sách ASXH đã góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nguồn lực lồng ghép của các chính sách này cũng góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. 

Cụ thể, công tác xóa đói, giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. 

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 xuống còn 5,35% năm 2018, dự kiến giảm xuống 4,35% năm 2019 và đến cuối năm 2020 còn 3,35%. Tính đến cuối tháng 9/2019, cả nước đã có 4.458 xã đạt chuẩn NTM. 

Chính sách ASXH được lồng ghép thực hiện trong nhiều chương trình, dự án giảm nghèo vùng DTTS và miền núi.

… nhưng chưa đồng bộ

Mặc dù hệ thống chính sách ASXH đã bao phủ hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng chính sách chồng chéo, chưa tích hợp. Đặc biệt là trong quá trình tổ chức thực hiện, do có “nhiều nguồn”, nhiều cấp ngành thực hiện trợ cấp an sinh nên dẫn đến thực trạng có hộ, có nơi lại được thụ hưởng nhiều chính sách. 

Ngoài ra, việc có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo dẫn đến tình trạng nhân dân trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Sự thiếu đồng bộ đã dẫn tới tình trạng dù có nhiều chính sách ASXH nhưng hiệu quả của nhiều chính sách chưa cao. 

Rõ nhất là mục tiêu giảm nghèo; hầu hết các chính sách ASXH đều hướng đến mục tiêu này. Nhưng thực tế cho thấy, kết quả giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo, nghèo phát sinh hằng năm còn cao. 

Ngay cả với các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng vậy. Báo cáo thường kỳ của TCTK đều ghi nhận tỷ lệ không có việc làm, nhất là đối với lao động DTTS, thường rất thấp; nhưng có việc làm bền vững, thu nhập ổn định lại không cao… 

Những hạn chế trong thực hiện chính sách ASXH cần phải sớm được khắc phục bởi hiện nay, nước ta đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo ở vùng đồng bào DTTS còn rất cao; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường,… Đây là những thách thức tác động rất lớn đến an sinh xã hội, đòi hỏi phải xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn thực hiện có hiệu quả các chính sách ASXH, góp phần phát triển bao trùm, bền vững.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành