An Lão thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Phát huy tốt các nguồn lực hỗ trợ
Trong 3 năm 2016 - 2018, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện An Lão bình quân đạt 6,56%/năm (chỉ tiêu là 5%/năm). Cùng với đó huyện còn hạn chế được tỉ lệ hộ tái nghèo, đảm bảo đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2018, huyện An Lão còn 45,19% hộ nghèo, giảm 8,61% so với đầu năm 2017.
Đặc biệt, khi thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, huyện An Lão luôn gắn với kế hoạch phát triển KT-XH, xây dựng cơ chế, chính sách giảm nghèo phù hợp đối với từng vùng. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư vào những vùng, địa bàn và nhóm dân cư khó khăn, tích cực hỗ trợ từ sinh kế đến vốn vay ưu đãi; thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, kịp thời nắm bắt, xử lý những vướng mắc phát sinh.
Trường hợp được vay vốn phát triển kinh tế hộ của chị Đinh Thị Điếc, ở thôn 4, xã An Trung là một ví dụ. Chị Điếc kể: Tôi vay vốn phát triển kinh tế gia đình, vừa nuôi bò, heo, vừa trồng keo, vừa làm ruộng lúa nước. Nhiều lúc gia đình khó khăn nhưng nhờ nắm rõ chính sách, tôi không bán non rừng keo mà xin vay vốn ngân hàng để đầu tư; đồng thời chi tiêu tiết kiệm, hợp lý để vượt khó. Nhờ vậy, hiện nay mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế gia đình cũng tạm ổn.
Để nâng cao hiệu quả chương trình, các chính sách xã hội đã được An Lão triển khai khá đồng bộ, giúp các đối tượng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm... 3 năm qua, từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã có 31.860 người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT, đạt tỉ lệ 100%.
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm tiếp tục được đổi mới. Huyện tổ chức 17 lớp đào tạo nghề với 545 người được đào tạo nghề, toàn huyện cũng đã có 53 người tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường nước ngoài. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ tiền điện được quan tâm đúng mức, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn không thể tránh khỏi một số hạn chế, như: Số hộ nghèo còn nhiều, nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo còn hạn chế, bộ phận dân cư sống trong vùng không thuận lợi về điều kiện tự nhiên, việc làm không ổn định, thu nhập thấp... có nguy cơ tái nghèo cao.
Dù vậy, trên cơ sở kết quả đạt được, An Lão phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 30% (bình quân mỗi năm giảm 8%), riêng xã An Hòa, An Tân giảm 12%/năm trở lên. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ, đồng hành của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo, nhất là ở cấp xã. Đặc biệt huyện tiếp tục phân cấp gắn với trách nhiệm trong thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với công trình khởi công mới. Tăng cường huy động nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo, tận dụng tối đa các chương trình hỗ trợ về KHKT, phương pháp canh tác mới, giống mới; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong công tác vận động hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo; tham gia có hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để có việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống.
Báo Bình Định