Bắc Giang áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 135

Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 09 huyện, 01 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao (Sơn Động). Theo Quyết định số 900/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 414/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, toàn tỉnh có 52 xã (40 xã ĐBKK, 12 xã ATK) và 99 thôn, bản ĐBKK thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang trao đỏi ý kiến tại Hội thảo tổng kết Chương trình 135

 

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có Chương trình 135. Trên cơ sở các quy định và văn bản hướng dẫn, tỉnh Bắc Giang đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương cho phù hợp thực tế địa phương như: UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1722 của Thủ tướng Chính phủ, kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết: số 49/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 Quy định nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình 135 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020 (cụ thể hóa Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 Quy định một số nội dung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (cụ thể hóa Nghị định 161 của Chính phủ và Thông tư số 15 của Bộ Tài chính), trong đó quy định định mức các dự án áp dụng cơ chế đặc thù chuẩn bị đầu tư hệ số 0,3, quản lý dự án hệ số 0,5 so với định mức đầu tư thông thường; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 10/7/2017 phê duyệt danh mục  13 loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2017-2020 (cụ thể hóa Nghị định 161); Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu thiết kế điển hình các loại công trình được áp dụng cơ chế đặc thù theo Quyết định số 385/QĐ-UBND của UBND tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu bắt buộc phải áp dụng cơ chế đặc thù đối với các dự án có tổng mức đầu tư đến 03 tỷ đồng; Ban dân tộc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn cách thức áp dụng cơ chế đặc thù, phổ biến quán triệt triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo chủ tịch UBND tỉnh.

Ngay sau khi có Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc đã chủ động chỉ đạo các huyện hướng dẫn các xã thực hiện công tác lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình giai đoạn 2016-2020 theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định 136, Nghị định 77 của chính phủ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh báo cáo Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến. Công tác chuẩn bị đầu tư được chủ động thực hiện, các dự án đầu tư xây dựng năm sau đều được phê duyệt trước ngày 31/10 năm trước, chỉ phân bổ vốn cho các dự án  có đủ điều kiện theo Điều 27, Nghị định số 77 ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Công trình trên địa bàn xã giao UBND xã làm chủ đầu tư, công trình liên xã giao UBND huyện làm chủ đầu tư, BQLDA các công trình đầu tư XDCB huyện thực hiện nhiệm vụ tư vấn quản lý dự án hầu hết các công trình trên địa bàn. UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn và chủ trương đầu tư các dự án đầu tư thực hiện theo cơ chế đặc thù của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng số 634 danh mục công trình, vốn đầu tư 322,4 tỷ đồng (trong đó: 367 dự án không thực hiện theo cơ chế đặc thù, vốn đầu tư 183, 5 tỷ đồng; 267 dự án áp dụng cơ chế đặc thù, vốn đầu tư 138, 9 tỷ đồng).

Giai đoạn 2016-2019, thực hiện tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chương trình 135 tại Bắc Giang luôn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và giải ngân trong năm, không có tình trạng chuyển nguồn sang năm sau, góp phần giảm tỷ lệ hộ nhèo các xã ĐBKK bình quân 4%/ năm, nhiều xã giảm trên 8%/năm, thôn ĐBKK 5%, xã ATK 2%. Thực hiện Quyết định số 03/QĐ/2019/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 03 xã và 30 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 năm 2019.

Trong công tác huy động nguồn lực để triển khai Chương trình 135, Ban Dân tộc đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phân công, phân cấp và ủy quyền thực hiện đầu tư xây dựng tại Nghị định 161 của Chính phủ và  các quy định của tỉnh về quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; quy chế dân chủ ở cơ sở trong quá trình thực hiện Chương trình từ công tác lập kế hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân đóng góp nguồn lực thực hiện các dự án như công lao động, vật liệu tại chỗ, hiến tặng đất, tài sản trên đất và các hình thức đóng góp khác (không huy động đóng góp bằng tiền đối với hộ nghèo, cận nghèo) để tạo thêm việc làm, tăng hiệu quả vốn đầu tư. 

Theo Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt, toàn tỉnh sẽ huy động trên 20 tỷ đồng để thực hiện chương trình 135, trong đó: Ngân sách huyện 724 triệu đồng, ngân sách xã 4.850 triệu đồng, nhân dân đóng góp 14.795 triệu đồng ( dự án không áp dụng cơ chế đặc thù 395 triệu đồng, dự án áp dụng cơ chế đặc thù 14.400 triệu đồng). Ngoài ra, các địa phương đã huy động nhân dân  hiến đất để giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền, ngày công để san nền, tạo mặt bằng nhưng chưa được hạch toán vào giá trị công trình.

Có thể khẳng định, việc áp dụng cơ chế đặc thù của tỉnh trong đầu tư xây dựng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm khoảng 30% tổng chi phí, tăng hiệu quả đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước. 

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành