Bài học xóa thôn nghèo ở Tà Năng
Năm 2009, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (GNN&BV) trên địa bàn tỉnh. Ngoài huyện Đam Rông do Chính phủ đầu tư đến năm 2020, tỉnh chọn thêm 29 xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 30% gọi là xã nghèo và giao các huyện, thành phố chọn thêm 94 thôn nghèo ngoài các xã trên để hỗ trợ giảm nghèo từ năm 2009 đến 2015. Năm 2013, 3 thôn của xã Tà Năng trở thành những thôn đầu tiên trong tỉnh hoàn thành Đề án thực hiện chương trình GNN&BV theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trước thời hạn 2 năm.
Năm 2011, UBND huyện
Đức Trọng xác định trên địa bàn có 4 thôn nghèo, trong đó xã Tà Năng chiếm 3
thôn là Tà Nhiên, Chiếu Krơm và Blá. Theo đó, xã Tà Năng thành lập Ban điều
hành (BĐH) Đề án 30a gồm đại diện các tổ chức trong xã cùng phối hợp, thực hiện
dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 66 hộ nghèo thuộc 3 thôn do UBND xã làm
chủ đầu tư. Trước tiên, tổ chức người dân 3 thôn họp bình xét hộ nghèo, rồi các
hộ đăng ký nhu cầu hỗ trợ. Căn cứ nguồn kinh phí và xét thực tế xã mới tập
trung hỗ trợ thiết thực. Những vật tư hỗ trợ, Ban quản lý (BQL) dự án phải chịu
trách nhiệm lựa chọn đơn vị cung ứng để hợp đồng cung cấp. Quá trình thực hiện,
xã Tà Năng phối hợp với các phòng của huyện như LĐTB&XH, Tài chính - Kế
hoạch, NN&PTNT cùng các tổ chức khuyến nông, nông dân xã… giám sát, kiểm
tra và nghiệm thu. Đối với trách nhiệm của BQL, Trưởng ban Đề án 30a, Phó Chủ
tịch UBND xã Tà Năng - Đặng Văn Biên cho biết: “Quản lý tốt nguồn vốn được giao
và tổ chức mua máy móc, ống tưới thiết bị, phân bón có chất lượng tốt, đồng
thời thực hiện các nội dung công việc, phối hợp xử lý kịp thời các công việc
phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình của đề án. Mặt khác, Ban này
phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục và vận động các hộ tham gia dự
án thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đề ra, tránh tình trạng có tư tưởng
trông chờ, ỷ lại không thực hiện theo kế hoạch. Đồng thời, có nhiệm vụ kiểm
tra, đôn đốc và giám sát trong quá trình triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo
kết quả thực hiện”.
Nguồn hỗ trợ của nhà
nước phải là “cú hích” để vừa tạo chuyển biến trong nhận thức, vừa tạo niềm tin
đầu tư của người dân. Đích đạt được là các hộ mạnh dạn đăng ký cam kết phấn đấu
thoát nghèo công khai, dân chủ trong cộng đồng thôn. Họ có trách nhiệm sử dụng
nguồn hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả nội dung đăng ký; không bán và bảo quản
sử dụng các máy móc; chăm sóc cây trồng theo hướng dẫn của Ban xóa đói giảm
nghèo và Tổ khuyến nông xã. Nếu hộ nào không thực hiện đúng cam kết sẽ không
được tiếp tục tham gia chương trình và BĐH xã sẽ chuyển cho hộ khác.
Bài học lớn về xóa
thôn nghèo ở Tà Năng còn là sự chỉ đạo, lãnh đạo sát của cấp ủy và chính quyền
huyện Đức Trọng. Cuối tháng 3/2013, Huyện ủy Đức Trọng ban hành Nghị quyết
chuyên đề số 17 nhằm tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã
nghèo, vùng đồng bào DTTS đến giai đoạn năm 2015. Theo đó, nhiều chỉ tiêu cụ
thể đặt ra cùng những nhiệm vụ và giải pháp sát thực tiễn. Ngay trong quý II,
HĐND huyện ban hành Nghị quyết 04; UBND huyện xây dựng Kế hoạch 71 để kịp thời
triển khai. Làm những việc gì, ai làm, làm được cái gì và thời gian bao lâu…là
những nội dung được lượng hóa cụ thể để cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn
thể từ cấp huyện đến cấp thôn đồng lòng vào cuộc quyết liệt. Tính năng động của
huyện Đức Trọng ở chỗ, biết phát huy hiệu quả tối đa lồng ghép các nguồn dự án,
chương trình của trung ương và tỉnh; mạnh dạn vận dụng định ra những cơ chế
linh hoạt từ nguồn đầu tư của huyện. Ví dụ vận dụng Quyết định 20 của tỉnh, đầu
tư cho các thôn nghèo, thôn đặc biệt khó khăn trung bình 15 triệu đồng/hộ với
tổng ngân sách khoảng gần 2,6 tỷ đồng. Nhưng đầu tư không dàn trải mà điều tiết
vốn chung để tập trung vào trọng điểm…
Kết quả, tỉ lệ hộ
nghèo của 3 thôn đã đạt như sau: cuối năm 2012, Tà Nhiên 7,41%; Chiếu Krơm
22,22% và Blá 8,0%; cuối năm 2013, Tà Nhiên còn 5,74%, giảm 30%; Chiếu Krơm còn
5,56%, giảm 75% và Blá còn 1,80%, giảm 75%. Xã Tà Năng từ 8,98% hộ nghèo (cuối
2012) còn 6,12% (cuối 2013). Quý I/2013, 3 thôn chính thức xóa nghèo. Nhờ vậy,
đầu năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ có 73 hộ, chiếm tỷ lệ 6,12%, cận nghèo
154 hộ, chiếm 12,9%; cuối 2014, còn 50 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,93 %, và 119 hộ
cận nghèo, chiếm 9,3%.
Năm 2015, xã Tà Năng
xác định đảm bảo kinh tế tăng trưởng từ 10% trở lên. Chủ tịch UBND xã Ha Năm
khẳng định: “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của khối
đại đoàn kết toàn dân, với tinh thần tự lực tự cường là chính, khắc phục tư
tưởng trông chờ, ỷ lại. Tập trung khai thác triệt để mọi nguồn lực sẵn có trong
nhân dân. Tranh thủ các chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng
bào dân tộc của nhà nước vào địa phương, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
đẩy mạnh kinh tế, xã hội phát triển, nâng cao dân trí trong nhân dân…”. Ông Ha
Năm cho biết trong quý II năm 2015 này, xã đang tiếp tục vận động nhân dân thực
hiện sản xuất vụ hè thu, chú trọng công tác chống hạn, quản lý hệ thống kênh
mương, thực hiện điều tiết nguồn nước hợp lý, tăng cường công tác phòng chống
dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Cùng đó, nhân rộng các mô hình nông nghiệp
công nghệ cao để nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Kế hoạch dự kiến của
tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2015 sẽ đạt tỉ lệ hộ nghèo dưới 1,8%; trong đó đồng bào
dân tộc thiểu số dưới 4,9%; 29 xã nghèo dưới 5,4%; huyện Đam Rông dưới 6,6%; và
sẽ không còn xã có tỉ lệ trên 15% hộ nghèo. Những bài học về xóa thôn nghèo ở
xã Tà Năng rất quý đối với chương trình GNN&BV của tỉnh Lâm Đồng. Hi vọng
những chỉ tiêu nêu trên sẽ đạt được để làm nền tảng tiếp tục phấn đấu vươn tới
những chỉ tiêu GNN&BV cao hơn trong nhiệm kỳ mới của tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng,
từ năm 2016.