Bản Kà Xen đổi mới
Bản Kà Xen (xã Thanh Hoá), nằm ở phía Tây - Bắc của huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, thuộc khu vực biên giới Việt - Lào. Bản có tổng diện tích tự nhiên trên 1.500 ha. Cả bản có 41 hộ sinh sống với 145 nhân khẩu thuộc dân tộc Mã Liềng.
Trước khi định cư ở bản Kà Xen hiện nay, đồng bào Mã Liềng có tập quán sống rải rác, không tập trung, quần tụ với nhau vài ba thế hệ dọc theo các khe suối vùng thượng nguồn sông Gianh. Từ năm 1964, chính quyền địa phương đã bố trí định cư cho đồng bào thành 5 bản nhỏ: Quạt, Rưng Rưng, Ma Đao, Bịn, Kà Xen. Mỗi bản là sự quần tụ của mỗi gia đình, dòng tộc. Đến năm 1998, Bản Kà Xen được thành lập trên cơ sở quy tụ các bản nhỏ nêu trên. Những năm đầu mới định cư, đồng bào vẫn duy trì nhiều tập tục lạc hậu như: du canh, du cư, săn bắn, hái lượm; lúc đau ốm dùng lá rừng điều trị; khi sinh con, người phụ nữ phải tách ra khỏi cộng đồng, người chồng che cho một túp lều nhỏ để sinh và tự lo liệu trong lúc sinh nở; lúc chết, người chết được cộng đồng đùm trong phên nứa hoặc lá cọ để chôn trong rừng, bờ khe suối và mất mộ luôn; trong nhà khi có người chết, lập tức cả gia đình bỏ đi tìm nơi ở mới…
Để giúp đồng bào xoá bỏ các tập tục tên, đồng thời định canh, định cư ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; từ năm 1998 đến nay, bản Kà Xen luôn nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó phải kể đến nguồn vốn của chương trình 135, giai đoạn I và II cùng nhiều chương trình, dự án khác để xây dựng các công trình thuỷ lợi, giao thông, nhà văn hoá, trường học. Nhờ vậy mà cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây ngày càng ổn định và phát triển. Từ chỗ có cuộc sống du canh, du cư, săn bắn hái lượm, đến nay, bà con đã biết cấy thành thạo, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh. Nhiều hộ đã biết lập vườn đồi, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điển hình như hộ ông Hồ Viên, có 10 con trâu, bò, 3 ha rừng kinh tế, 1 ha lúa nước với năng suất đạt 45tạ/ha; diện tích ao hồ thả cá 0,1ha. Tổng giá trị tài sản của gia đình ông Viên đạt trên 100 triệu đồng.
Hiện nay, diện tích đất sản xuất của cả bản đã mở rộng được 40 ha; trong đó diện tích cấy 2 vụ đạt 3,8ha, cho năng suất bình quân những năm gần đây đạt 30tạ/ha, sản lượng lương thực đạt 22,8 tấn; sản lượng các loại cây trồng hàng năm trên 40 tấn; tổng đàn gia súc có 96 con, 0,5ha ao hồ thả cá; diện tích rừng trồng kinh tế 5ha, dân bản khoanh nuôi, bảo vệ được 261 ha rừng.
Về văn hoá-xã hội, từ chỗ cả bản chỉ có 1 người biết đọc, đến nay, đa số người trong độ tuổi trung niên biết đọc, biết viết; 100% con, em trong độ tuổi được đến trường. Lúc đau ốm, sinh đẻ, bà con đã được đưa đến các cơ sở y tế để điều trị và sinh nở. Đa số các hộ có công trình vệ sinh. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở từng bước được đầu tư đáp ứng nhu cầu tối thiểu của nhân dân.
Ông Cao Chí Hùng, Trưởng bản Kà Xen cho rằng: thực trạng kinh tế - xã hội của bản hiện nay có thể chưa sánh được với các thôn, bản khác nhưng đã là “cuộc cách mạng” so với thời kỳ bà con chưa định canh, định cư. Vì vậy nguyện vọng của đồng bào là mong được Chính phủ kéo dài Chương trình 135 sang giai đoạn III và có sự tăng mức đầu tư so với giai đoạn II. Trên cơ sở đó, giúp địa phương đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cho bản như: trường học, công trình thuỷ lợi, nước sạch, y tế, khai hoang đất sản xuất cây lúa 2 vụ. Trong chính sách hỗ trợ, đồng bào đề nghị Nhà nước cần trích một khoản kinh phí để hợp đồng với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm cắm bản theo hình thức: cùng ăn, cùng ở, cùng làm để giúp đồng bào tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới, thay đổi phương thức sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.
Phương Liên
[TT:T.V.T]