Bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

“Trước đây, gia đình tôi sinh sống ở xã Xuân Tiến, huyện Na Hang (Tuyên Quang), đến cuối năm 2003, chúng tôi đã nhường đất ở và đất sản xuất cho thủy điện Tuyên Quang, chuyển về định cư ở Bản Tụm, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), cách trung tâm huyện gần 30 km.

Do địa hình khu tái định cư bị chia cắt bởi nhiều con suối, nên đất ở và đất sản xuất không tập trung, khó canh tác, thường xuyên bị lũ quét. Bình quân có 400 m2 đất/khẩu trồng lúa hai vụ, chỉ đảm bảo được một phần lương thực hàng năm cho gia đình. Với diện tích đất nông nghiệp như vậy, gia đình tôi chưa có giải pháp gì để làm giàu...”. Đó là tâm sự của anh Lý Hữu Phúc, dân tộc Dao và cũng là nỗi niềm của nhiều đại biểu tham gia diễn đàn “Thực trạng và giải pháp quản lý và sử dụng đất đai vùng dân tộc và miền núi” do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 25/1.

Nguyên nhân thiếu đất

Cả nước hiện có 56 tỉnh, thành, 463 huyện và 5.453 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sống thành cộng đồng làng, bản, phum, sóc. Với 53 dân tộc khác nhau (không kể dân tộc Kinh), tổng dân số của đồng bào dân tộc thiểu số khoảng gần 12 triệu người, bằng 1,3 triệu hộ, chiếm trên 14,4% dân số cả nước. Đồng bào sống chủ yếu dựa vào nông, lâm và ngư nghiệp. Nguồn thu nhập dựa vào phi nông nghiệp rất hạn chế, vì thế đất canh tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với họ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện vẫn còn một số lượng rất lớn hộ đồng bào dân tộc thiếu hoặc không có đất sản xuất.

Theo ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, từ năm 2010 - 2011, có 558.485 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Ngoài ra, còn một số lượng không nhỏ hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị thu hồi đất ở, đất sản xuất tại các dự án quy hoạch, các công trình thủy lợi, thủy điện, hạ tầng giao thông và 590 hộ thuộc đối tượng dự án hỗ trợ, phát triển 5 dân tộc rất ít người (SiLa, Brâu, Rơ Năm, Ơ Đu, Pu Péo).

Kết quả giám sát đất ở, đất sản xuất và chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện năm 2012 cho thấy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn hạn chế. Công tác khai hoang, phục hóa, định canh, định cư, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Mục tiêu thu hồi đất từ các nông, lâm trường, giải pháp để tạo quỹ đất, giao đất cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất, không có đất sản xuất, đã triển khai trong thời gian khá dài nhưng kết quả rất hạn chế.

Mục tiêu giải quyết đất sản xuất theo Quyết định 134 không đạt kế hoạch, mới giải quyết được 38% tổng diện tích và 35% tổng số hộ. Với những hộ đã được hỗ trợ đất sản xuất thì cuộc sống trước mắt vẫn chưa hết khó khăn, bởi hiệu quả sử dụng đất sản xuất còn hạn chế. Đến năm 2012, cả nước còn 19.891 hộ (94.126 nhân khẩu) còn du canh, du cư, nhiều khả năng di cư tự do.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khác nữa là tình trạng phá rừng, làm thủy điện và khai thác tài nguyên khoáng sản... không chỉ làm thu hẹp diện tích đất, rừng mà còn gây ra tình trạng rửa trôi, thoái hóa đất làm ảnh hưởng đến hiện trạng đất sản xuất của đồng bào. Những cánh rừng biến mất đồng nghĩa với sự gia tăng khô hạn, thiếu nước tưới. Các trạm thủy điện không chỉ lấy đất, lấy rừng xây nhà máy mà còn làm ngập đáng kể diện tích đất lúa ven sông, ven suối của đồng bào...
Một nguyên nhân nữa mà các đại biểu tham gia diễn đàn thẳng thắn cho rằng, việc thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào cũng một phần do một bộ phận không nhỏ di cư từ đồng bằng lên và định cư ở miền núi (có cả một số cuộc di cư theo chương trình của Chính phủ và di cư tự do). Do đó, một số diện tích đất và rừng thuộc không gian sinh tồn của các hộ đồng bào trước đây bị xâm phạm.

Giải pháp nào cho vấn đề đất đai?

Không thể phủ nhận nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong việc giải quyết đất ở và đất sản xuất cho các hộ đồng bào thông qua các nhóm chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất như: 132, 134, 74, 1592, 33... và hàng trăm dự án, đề án của UBND các tỉnh ban hành nhằm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Các chương trình và chính sách đã góp phần ổn định cuộc sống, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và xóa đói, giảm nghèo cho các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số đã giảm từ 86,4% năm 1993 xuống còn 50,3% năm 2008.

Theo ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, thời gian qua, UBDT đã nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, việc quản lý sử dụng đất vùng dân tộc và miền núi là một trong các vấn đề quan tâm hàng đầu, được ưu tiên nghiên cứu giải quyết. Với sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), UBDT đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn thực hiện nghiên cứu thực trạng quản lý, sử dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số, phân tích tác động của chính sách đất đai liên quan đến sinh kế của đồng bào. Trên cơ sở đó, đề xuất, khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, cũng như khả năng sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa của các vùng, các nhóm dân tộc thiểu số. Tạo cơ sở, động lực cho đồng bào thích nghi dần với cơ chế thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế...

Về vấn đề quản lý đất đai, ông Danh Út cho rằng, khi xem xét, sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, cần sửa đổi, bổ sung Điều 10 với các nội dung, quy định có tính nguyên tắc về bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, Nhà nước có chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có hoặc thiếu đất sản xuất. Nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

“Từ tình hình, thực trạng sử dụng đất và những đặc điểm về cư trú, bản sắc văn hóa, không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc thiểu số, cần nghiên cứu, luật hóa bằng các quy định về quản lý, sử dụng đất cộng đồng gắn với vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Danh Út đề nghị.


( Theo baotintuc.vn)

[TT : LPM]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành