Bảo Lộc nỗ lực giảm nghèo trong đồng bào DTTS
So với các địa phương khác trong tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại thành phố Bảo Lộc ít hơn, chỉ có 5.087 người, chiếm 3,24% dân số của thành phố. Trong đó, đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên có 2.722 người, chiếm tỷ lệ 1,73%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Thành phố đang tiếp tục nỗ lực để trong vài năm tới, tỷ lệ hộ DTTS nghèo giảm chỉ còn dưới 5%.
Theo UBND thành phố Bảo Lộc, tại thời điểm đầu năm 2009, số hộ nghèo trong vùng DTTS còn 146 hộ, chiếm trên 14% trong tổng số hộ đồng bào các DTTS. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TU ngày 31/10/2006 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Tập trung nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng DTTS” và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng, Thành ủy và UBND thành phố Bảo Lộc tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS; trong đó, chú trọng đến việc giảm nghèo nhanh và bền vững.
Trong giai đoạn 2009 - 2014, thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hội thảo đầu bờ... để giúp cho bà con DTTS nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tiếp cận với những mô hình sản xuất có hiệu quả. Thành phố Bảo Lộc khuyến khích và hướng dẫn đồng bào các DTTS dùng phân bón để cải tạo vườn, mở rộng hệ thống ao hồ để chứa nước chống hạn trong mùa khô; xây dựng vườn hộ, phát triển chăn nuôi và kết hợp nhận quản lý bảo vệ rừng để tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống... Những năm qua, trong thành phố đã có 33 hộ DTTS nhận khoán quản lý bảo vệ 977ha rừng, chiếm 90% diện tích rừng giao khoán.
Công tác giảm nghèo trong vùng DTTS luôn được Đảng bộ và chính quyền địa phương quan tâm. Trong 5 năm qua, các ngành và đơn vị liên quan của thành phố đã tổ chức 16 đợt cho trên 500 lượt bà con đi tham quan các mô hình để học tập kinh nghiệm, phương pháp làm ăn. Qua đó, bà con tích cực thâm canh, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng; cải tạo cà phê bằng giống mới; phát triển chăn nuôi heo, trâu bò, dê... Tại xã Lộc Nga và Lộc Châu, thành phố đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng xây dựng 2 công trình giếng khoan để cấp nước sinh hoạt cho trên 100 hộ DTTS. Đồng thời, thành phố cũng đã cấp kinh phí 800 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp hệ thống giếng khoan cấp nước tại Trường Tiểu học Lam Sơn và Trường Tiểu học Lộc Nga...
Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Bảo Lộc đã hỗ trợ 372 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ tiền điện; cung cấp muối Iốt; xây dựng 1 nhà văn hóa (chi phí 700 triệu đồng); cấp 5 chiếc tivi cho 5 hộ DTTS gốc Tây Nguyên có hoàn cảnh khó khăn, chưa có phương tiện nghe nhìn ở xã Lộc Nga, Lộc Châu và phường B’Lao... Ngoài ra, trong 5 năm qua, 809 lượt hộ nghèo được vay gần 10 tỷ đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố để phát triển sản xuất.
Chính sách phát triển giáo dục trong vùng DTTS tiếp tục được triển khai; qui mô và chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng và nâng cao. Đến nay, 100% số xã có đông đồng bào DTTS sinh sống tập trung đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa phục vụ cho nhu cầu dạy và học. Chính sách hỗ trợ đào tạo và học nghề cũng được quan tâm, thành phố đã chi trợ cấp xã hội gần 230 triệu đồng cho 187 lượt học sinh, sinh viên các DTTS theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đã có 52 em sinh viên DTTS tốt nghiệp ra trường. Trong đó, 9 sinh viên tìm được việc làm; 4 sinh viên được tuyển dụng làm việc tại các cơ quan, đơn vị theo Đề án Tây Nguyên. Ngoài ra, thành phố còn đào tạo nghề cho 406 lao động DTTS, tạo điều kiện cho 8 người đi lao động ở nước ngoài.
Đi đôi với việc từng bước nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của bà con DTTS cũng được quan tâm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai mạnh mẽ. Đến nay, 6/6 thôn, buôn, tổ dân phố và 4/4 xã, phường có đồng bào DTTS sinh sống đều được công nhận “Khu dân cư văn hóa”, “Xã, phường văn hóa”; trên 87% gia đình DTTS đạt “Gia đình văn hóa”.
Nhờ việc thực hiện các chính sách nói trên và cộng với sự nỗ lực vươn lên của chính mình, mức sống của người dân các DTTS ở thành phố Bảo Lộc được nâng dần; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; thu hẹp dần khoảng cách nghèo - giàu giữa các vùng và các dân tộc.