Bình Lư: Dồn sức “cán đích” nông thôn mới

Bình Lư là một trong những xã điểm của tỉnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 17/19 tiêu chí, hiện xã đang dồn sức gấp rút đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, hạng mục của 2 tiêu chí còn lại là giao thông nông thôn và môi trường quyết tâm đến cuối năm nay sẽ về đích nông thôn mới đúng hẹn.

Có dịp về thăm xã Bình Lư, huyện Tam Đường chúng tôi cảm nhận được sự thay da đổi thịt ở vùng quê yên bình này. Từ những con đường được bê tông hóa đến tận từng bản làng, hệ thống thủy lợi được đầu tư kiên cố, những ngôi trường còn thơm mùi vôi mới, tiếng trẻ em ê a đọc bài. Cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc, với mục đích làm giàu trên mảnh đất quê hương bà con đã đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuát, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản. Giờ đây Bình Lư không chỉ nổi tiếng là nơi chuyển sản xuất miến dong mà còn được mọi người biết đến là xã trồng nhiều cây Mắc Ca, Mít thái lan, cây cam... Nhiều nhà đã có của ăn của để, thu nhập bình quân đầu người của xã năm sau cao hơn năm trước nếu năm 2010 đạt 8,5 triệu đồng/người/năm thì năm 2013 đạt 17,5 triệu đồng/người/năm và con số này hứa hẹn sẽ tăng lên theo từng năm.

Đạt được những thành quả này, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, nhà nước còn phải kể đến sự chung sức đồng lòng của bà con các dân tộc trong xã khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.Sự đồng thuận thể hiện qua việc hiến đất, góp tiền mở đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa. Để mở rộng tuyến đường vào các bản, hàng chục hộ nằm dọc con đường đều vui vẻ hiến đất dù đất thổ cư, cây cối, đất vườn bà con vẫn sẵn sàng tháo dỡ để mở rộng đường. Nhờ đó, đến thời điểm này xã Bình Lư đã đạt 17/19 tiêu chí, các tiêu chí mà xã hoàn thành đều bảo đảm sự bền vững, đạt tiến độ mà Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đề ra. Tuy nhiên còn lại 2 tiêu chí là giao thông nông thôn và môi trường đang được tiếp tục gấp rút triển khai để đến cuối năm 2014 Bình Lư sẽ là một trong số các xã đầu tiên của tỉnh cán đích nông thôn mới.

Nhờ cán bộ xã tuyên truyền, vận động bà con bản Nà Phát, Bình Lư đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với tiêu chí về giao thông nông thôn xã không gặp khó khăn nhiều vì hiện nay, nguyên vật liệu và quỹ đất, phương án đã sẵn sàng để thi công 3,5 km đường giao thông trục bản, nội đồng thuộc địa phận bản Nà San – tuyến đường sẽ hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn mới của xã Bình Lư. Giờ chỉ đợi sau khi bà con thu hoạch xong lúa mùa sẽ triển khai làm đường giao thông nông thôn để đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Cũng giống như các xã trên địa bàn tỉnh tiêu chí môi trường cũng đang là “nút thắt khó gỡ” đối với xã Bình Lư. Bởi đa số bà con các dân tộc đều có thói quen thả rông gia súc, nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn rồi thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh ở các khu dân cư. Hơn nữa các hộ gia đình còn khó khăn về kinh tế cũng như thiếu quỹ đất để làm chuồng trại. Khó khăn là vậy nhưng chỉ cần bà con trong xã quyết tâm, thay đổi nhận thức thì tiêu chí môi trường sẽ hoàn thành. Vì vậy, huyện cùng với xã đang chỉ đạo thành lập, đi vào hoạt động thí điểm các tổ thu gom rác thải tại các bản tập trung đông dân cư, ven quốc lộ 4D như: KM2, Toòng Pẳn và Thống Nhất. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thu gom, tập kết rác vào đúng nơi quy định để xử lý.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn xã hiện có khoảng 600 hộ dân có chăn nuôi gia súc gần nhà, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp đang tích cực vận động bà con di chuyển chuồng trại ra xa khu vực sinh hoạt với mức hỗ trợ di chuyển 3 triệu đồng/hộ. Nhờ sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể 97 hộ đã tự nguyện tháo dỡ chuồng trại nuôi gia súc gần nhà để chuyển đến vị trí mới dù chưa nhận được số tiền hỗ trợ.

Đến bản Nà Phát những ngày này, chúng tôi thực sự bất ngờ trước hình ảnh bà con tự nguyện di dời chuồng trại, hàng tuần tổ chức các buổi vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh. Tranh thủ nghỉ giải lao, ông Lò Văn Thó ở bản Nà Phát chia sẻ: “Trước đây chuồng lợn và chuồng trâu đều ở gần nhà nên mất vệ sinh nay được cán bộ xuống tuyên truyền, giải thích gia đình đã tự nguyện di dời chuồng trại, mặc dù phải vay mượn đầu tư số tiền 20 triệu xây dựng chuồng trại kiên cố để đảm bảo vệ sinh môi trường nên rất nhiều hộ trong bản làm theo”. Còn với ông Vàng Văn Hạch ở bản Hà Hum dù tuổi đã cao nhưng khi được biết thông tin xã phải đạt được tiêu chí môi trường mới được công nhận là xã nông thôn mới nên hàng ngày ông vẫn vận động con cháu trong gia đình không được nuôi trâu dưới gầm sàn, phải di dời gia súc gia cầm ra xa nhà, nhà tắm, nhà vệ sinh đảm bảo sạch, ngăn nắp.

Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, sản xuất hoa màu theo hướng hàng hoá, nhất là đối với cây dong riềng. Việc công nhận làng nghề miến dong Bình Lư vào giữa tháng 9 vừa qua cũng là một trong những động lực để xã nỗ lực cán đích nông thôn mới. Tuy nhiên, công tác xử lý chất thải tập trung, đặc biệt là bã và nước thải sau quá trình xay xát nguyên liệu làm miến lại là một thách thức mới cho xã. Theo ông Phạm Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Bình Lư thì với diện tích 500ha dong riềng hiện xã gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý chất thải bột làm miến. Trước mắt chúng tôi sẽ vận động bà con làm hố ủ để lấy phân bón hữu cơ bón cho cây trồng, thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Lâu dài sẽ kiến nghị với các cấp để đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý rác thải tập trung”.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền, quyết tâm cao của Nhân dân địa phương, tin rằng Bình Lư sẽ sớm là một trong những xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành