Bước chuyển của xã nghèo Hà Lâu

Hà Lâu là xã nghèo của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Những năm qua, nhờ phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực giúp đỡ của Trung ương, địa phương và sự chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn cho nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây đã từng bước cải thiện và thoát nghèo.

Làm đường nông thôn mới ở thôn Bắc Cương, xã Hà Lâu.

 

Phát huy các tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, Đảng bộ xã Hà Lâu đã xác định hướng đi chủ lực để phát triển kinh tế địa phương là phát triển mô hình “một con, một cây”, đó là gà Tiên Yên và cây dược liệu. Từ việc xác định đúng hướng, xã đã kiên trì triển khai đề án, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, đồng thời vận động cán bộ, đảng viên nêu gương, tiên phong phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trên địa bàn xã đã có gần 150 mô hình nuôi gà với tổng số khoảng 70 nghìn con.

Chúng tôi tới thăm trang trại với 2.000 con gà giống bản địa Tiên Yên và hơn 1.000 con gà thương phẩm của anh Hoàng Ngọc Minh ở thôn Bản Phai. Anh Minh cho biết, mỗi năm trang trại gà của gia đình cung cấp cho thị trường năm tấn gà thương phẩm, cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng. Hiện nay, toàn xã Hà Lâu có gần 150 hộ dân nuôi giống gà Tiên Yên, trong đó nhiều hộ dân có quy mô nuôi lớn từ 1.000 đến 6.000 con, mỗi năm xã Hà Lâu cung cấp cho thị trường hơn 160 tấn gà thương phẩm. Hà Lâu cũng là địa phương xếp thứ hai của huyện Tiên Yên về phát triển và nhân rộng mô hình nuôi gà bản địa Tiên Yên với số lượng lớn, chỉ đứng sau xã Phong Dụ. Cùng với đó, xã đã chủ động thu hút và triển khai nhiều dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn. Đến nay, toàn xã đã triển khai dự án hỗ trợ đàn bò sinh sản, trồng gần 20 ha rừng gỗ lớn, nuôi 230 tổ ong và dự án trồng ớt công nghệ cao cũng bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân trong xã.

Chủ tịch MTTQ xã Hà Lâu Tô Thị Kim là người tiên phong trong việc áp dụng thay thế giống quế bản địa, truyền thống trước kia bằng giống quế trâu có nguồn gốc từ tỉnh Yên Bái cho sản lượng và chất lượng cao hơn. Hiện nay, gia đình chị Kim đã triển khai trồng cây quế trâu trên diện tích hai héc-ta với khoảng hơn 13 nghìn cây, dự kiến đến năm 2020 sẽ cho thu hoạch từ việc tỉa lá, cành với giá bán là hơn 3.000 đồng/kg. Chị Kim cho biết, là đảng viên, cán bộ cho nên luôn phải gương mẫu, đi đầu trong mọi việc, nhất là việc áp dụng các mô hình mới, hiệu quả để phát triển kinh tế, có như vậy bà con các dân tộc mới tin tưởng và làm theo để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2015 Hà Lâu còn tới 34% số hộ nghèo và cận nghèo thì đến năm 2019, xã Hà Lâu đã chính thức ra khỏi Chương trình 135 với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống còn hơn 8%. Đặc biệt, trên địa bàn xã hiện có hàng trăm hộ gia đình kinh tế khá giả với thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất được cải thiện và nâng lên rõ rệt, nhiều hộ trong xã có con, em thi đỗ vào đại học, cao đẳng, học nghề và được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp. Mục tiêu của xã Hà Lâu thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh ba khâu đột phá chiến lược cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại, trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương. Phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội để tạo bước phát triển nhanh, nâng tỷ lệ đóng góp của thương mại, dịch vụ và du lịch, phát triển rừng theo hướng bền vững, từng bước chuyển dần diện tích trồng rừng giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn; gắn với thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi bảo vệ khu rừng đầu nguồn để giữ nước sản xuất và nước sạch sinh hoạt gắn với du lịch sinh thái.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâu Lý Văn Diểng, bà con các dân tộc trên địa bàn quyết tâm cùng chính quyền xóa bỏ các hủ tục, mê tín; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng nông thôn kiểu mẫu; tích cực vận động người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe cộng đồng… Thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền xã nỗ lực xây dựng thành công đề án bảo tồn chợ phiên văn hóa đặc trưng tại Bắc Lù, trung tâm xã Hà Lâu, là nơi sinh hoạt văn hóa giao thương của đồng bào các dân tộc vùng cao với các xã giáp ranh huyện Tiên Yên và của tỉnh Quảng Ninh.

Với mục tiêu xuyên suốt là phấn đấu đưa xã ra khỏi Chương trình 135, Đảng bộ xã Hà Lâu đã xác định phải tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm như đầu tư xây dựng kiên cố kênh mương thôn Bản Buông; huy động nhân dân góp công, hiến đất xây dựng tuyến đường Co Mười Khe Liềng và nông thôn kiểu mẫu tại Bắc Lù - Nà Trang. Chủ tịch UBND xã Hà Lâu Vi Đức Phúc cho biết: Mặc dù xã đã ra khỏi Chương trình 135, tuy nhiên hiện nay, tuyến đường chính của xã được đầu tư xây dựng từ năm 2000 đến nay đã xuống cấp, ảnh hưởng nhiều đến giao thông đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, vì vậy xã mong muốn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có giải pháp sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

nhandan.org.vn

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành