Bước đi chắc trong thực hiện chính sách dân tộc

Tỉnh Yên Bái có 790 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu nằm trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước. Những chương trình, chính sách như 135, 134, 167, 30a, chương trình giảm nghèo... đầu tư cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua đã mang lại diện mạo mới cho 2 huyện này.

Một trong những chương trình hỗ trợ hiệu quả ở huyện Trạm Tấu là hỗ trợ sản xuất. Với đặc thù huyện vùng cao, Trạm Tấu đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô. Từ vốn của Chương trình 30a, huyện đã hỗ trợ người dân 20 kg ngô giống và khoảng 2 triệu đồng tiền phân bón cho 1ha chuyển đổi.

Anh Hoàng Văn Phương, ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết, trồng ngô mang lại giá trị kinh tế gấp 6 - 7 lần so với trồng lúa nương. Sản lượng ngô ngoài việc chăn nuôi, còn lại bán để lấy tiền chi tiêu cuộc sống hằng ngày và cho các con đi học.

Đến nay, huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi thành công khoảng 980 ha lúa nương sang trồng ngô đồi, góp phần tăng thu nhập cho người dân, cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào”, ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triên nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết.

Đồng bào được hỗ trợ máy nông cụ để sản xuất.

Việc chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi từ trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi, không chỉ đơn thuần là giải quyết lương thực cho người dân mà đã từng bước chuyển thành vùng ngô hàng hóa tại 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Song song với việc chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô cho năng suất, chất lượng cao, tỉnh Yên Bái còn chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu các cây trồng khác như: Vùng trồng cây sơn tra ở 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; vùng chè ở xã Phình Hồ (Trạm Tấu) và Púng Luông (Mù Cang Chải)... cũng góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Chuyển đổi đất trông lúa năng suất thấp sang trông ngô.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái Hoàng Trung Năng, cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, Yên Bái đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào, như: Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng sản xuất hàng hóa... Nhờ đó, giai đoạn 2011 - 2015, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm 3 - 4% hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc giảm trên 6%. Diện mạo vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một khởi sắc. Đến nay, đã có 92,3% số xã có đường ô tô đến trung tâm các xã; trên 80% hệ thống các trường, lớp học được kiên cố; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 100% xã có điện lưới quốc gia...

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành