Cà Mau phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số
Tỉnh Cà Mau hiện có 13 dân tộc thiểu số với hơn 53.200 người, đông nhất là đồng bào Khmer, Hoa. Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các cấp, ngành tăng cường chỉ đạo, triển khai tốt chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số; đồng thời tháo gỡ khó khăn, yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, sinh hoạt của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Nhờ đó, tính đến đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 1.874 hộ, chiếm 15,58% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Cà Mau giảm bình quân từ 3 đến 4%.
Trong 5 năm tới (2019 - 2024), tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 3 đến 4%/năm trở lên, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần so với hiện nay. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nông thôn mới thông qua việc áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để nhanh chóng vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích và đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề theo nhu cầu, thực hiện tốt các chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt hơn 65%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định đạt hơn 80%...
Mặt khác, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phát triển cơ sở thương mại, dịch vụ, hệ thống chợ ở các xã vùng khó khăn; chủ động tìm kiếm và kết nối thị trường đầu ra cho sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng dân tộc thiểu số.
* Sau bốn tháng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội, cấp quận, huyện, thị xã của thành phố đã tiến hành thanh tra 487 cơ sở, trong đó xử phạt 149 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 550 triệu đồng. Ở cấp xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra 1.516 cơ sở, trong đó xử phạt 327 cơ sở với số tiền hơn 519 triệu đồng. Số cơ sở bị xử phạt sau thanh tra bốn tháng vừa qua cao hơn nhiều so với trước. Điều đó cho thấy tình trạng nể nang, né tránh trong xử phạt ở cấp cơ sở đã từng bước được khắc phục.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP vẫn còn gặp một số khó khăn, như thiếu đội ngũ cán bộ thanh tra có trình độ chuyên sâu; kết quả xử lý ở cấp xã, phường còn hạn chế... Bên cạnh đó, việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP chủ yếu tập trung về thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, trong khi thanh tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều.
Để làm tốt công tác thanh tra chuyên ngành ATTP trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ để bổ sung lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP theo quy định; phối hợp Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thanh tra cho các cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tại các tuyến, nhất là tuyến xã, phường. Ngoài ra, thành phố cũng thiết lập đường dây liên hệ để các đơn vị, địa phương trao đổi khi gặp khó khăn trong quá trình thanh tra.
(nhandan.com.vn)