Các chương trình xóa đói, giảm nghèo đem lại nhiều đổi thay ở bản Ploang

Những năm qua, được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tổ chức, đoàn thể và các chương trình dự án, Bản Ploang, xã miền núi biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, những năm gần đây, bản Ploang được đầu tư xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời, vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào, đồng thời cũng là điều kiện đưa thông tin đến với bà con thường xuyên hơn.

Vận chuyển lạc giống vào cho bà con chuẩn bị vụ trồng đầu tiên.

Men theo con đường độc đạo giữa núi rừng, chúng tôi phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới vượt qua quãng đường gần 20km, gập gềnh sỏi đá vào bản Ploang. Nằm lọt thỏm giữa núi non trùng điệp, bản Ploang có 25 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều với hơn 100 nhân khẩu sinh sống. 

Lần trở lại này, chúng tôi đã thấy một Ploang hoàn toàn thay đổi, đồng bào đã có cuộc sống tốt hơn nhờ các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước. Tuy vẫn còn đó muôn vàn khó khăn, thế nhưng bà con người Vân Kiều nay đã có điện, có nước sạch để sử dụng, có hệ thống cơ sở vật chất, các mô hình kinh tế tạo điều kiện để dân bản định canh, định cư, ổn định cuộc sống.

Từ ngày có điện, cuộc sống của bà con cũng sáng hẳn lên. Điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt của người dân, nhất là giúp con em ở đây học bài vào ban đêm. Nhờ có điện, bà con còn xem truyền hình, nắm bắt được thông tin thời sự và các kiến thức cần thiết.

Đi thăm một vài gia đình, chúng tôi không còn thấy cảnh thiếu thốn, đói nghèo như trước nữa. Đến gia đình ông Hồ Văn Lời, thấy ông đang chăm chú theo dõi chương trình hướng dẫn trồng lạc trên tivi. 

Ông Hồ Văn Lời bảo “ngày xưa trồng trọt, chăn nuôi theo kinh nghiệm, giờ lại có tivi để tìm hiểu, mình có thể làm việc năng suất hơn, biết nhiều cái hay áp dụng vào cuộc sống”.

Hỏi thăm mới biết, người dân trong bản được Nhà nước giao hơn 100ha đất để phát triển kinh tế, xã Trường Sơn đang tiến hành xây dựng mô hình trồng lạc cho bà con. Xã Trường Sơn cử cán bộ vào cắm bản, tuyên truyền, hướng dẫn cùng bà con phát quang cỏ dại, thuê máy cày đất, kỹ năng trồng cấy và chăm sóc. 

Hệ thống điện năng lượng mặt trời đưa vào sử dụng tạo điều kiện để đồng bào mua sắm các phương tiện nghe nhìn phục vụ cuộc sống.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Hồ Thị Thi, Trưởng bản Ploang cho biết vài năm trở lại đây, bản PLoang thay đổi rất nhiều. Tiếp cận được các thông tin qua truyền hình, người dân có điều kiện học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi từ nhiều mô hình hay, kiến thức hữu ích. Bà con không chỉ được cán bộ hướng dẫn phương pháp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bên cạnh đó còn các thông tin về chính sách, pháp luật của nhà nước.

Từ khi có điện, có nước, bà con ở Ploang vui mừng bao nhiêu thì cũng hiểu mình phải sử dụng đúng cách và tiết kiệm bấy nhiêu. Hàng chục năm trời sống trong cảnh thiếu nước, thiếu điện đã giúp bà con hiểu rõ được tầm quan trọng của việc tiết kiệm.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết so với 5 năm trước, giờ đây cuộc sống đồng bào ở Ploang đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt trong năm 2017, các hộ dân được giao trên 100ha rừng; thứ 2 công trình nước sạch về đến tận bản; và đặc biệt nhất, điều mơ ước của bao thế hệ người dân ở Ploang trở thành hiện thực khi được dùng điện từ dự án điện năng lượng mặt trời.

Ông Nguyễn Văn Sỹ nhận định, nhờ hệ thống điện năng lượng mặt trời, mà công tác tuyên truyền, đưa thông tin đến người dân cũng dễ dàng hơn. Góp phần lớn vào việc giảm nghèo về thông tin cho bà con người Vân Kiều tại Ploang.

Ploang hôm nay, thực sự đã có nhiều thay đổi, từ cách nghĩ, đến cách làm của bà con người Vân Kiều. Cả bản làng đã có cuộc sống mới ổn định hơn, chú trọng chăm lo cho gia đình, đoàn kết cùng nhau xây dựng bản làng đổi mới.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành