Cần có định hướng trong tiêu thụ nông sản, tháo gỡ khó khăn cho bà con các dân tộc

Thời gian qua, nhiều kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp vùng DTTS là đáng mừng, nhưng xem xét kỹ các kết quả cho thấy, việc bảo đảm yếu tố phát triển bền vững cho nông sản Việt vẫn là câu hỏi lớn. Ai dám chắc, thời gian tới, câu chuyện “giải cứu” nông sản sẽ không lặp lại?

Nếu thiếu cơ chế định hướng, cảnh báo thị trường thì việc khó khăn trong tiêu thụ nông sản sẽ vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Xuất khẩu thô-bấp bênh!

Những năm qua, chuyện được mùa mất giá vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với người nông dân và nhà quản lý. Không ít nông dân trồng cứ trồng, nuôi cứ nuôi nhưng không biết sản phẩm của mình sẽ đi đâu, về đâu. 

Thậm chí, gần đây liên tục xuất hiện những đợt “giải cứu” nông sản Việt. Hết hành tím, dưa hấu, rồi đến cà chua, chuối... 

Gần đây nhất là câu chuyện “giải cứu” thịt lợn trong đầu năm 2017. Khi thị trường Trung Quốc “đóng băng”, giá xuống mức thấp kỷ lục (15 nghìn đồng/kg) khiến người chăn nuôi lâm vào tình cảnh khốn đốn. 

Nhiều nơi, các hộ chăn nuôi, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, buộc phải bán đất, bán trại, “treo chuồng” vì vỡ nợ. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết năm 2017, cả nước có khoảng 900 nghìn hộ chăn nuôi phải “treo chuồng” vì dư âm của cuộc khủng hoảng “thừa” thịt lợn những tháng đầu năm. 

Trước tình cảnh đó, cả nước đã buộc phải hưởng ứng một cao trào “giải cứu” thịt lợn. Sở dĩ gọi là cao trào vì việc “giải cứu” được thực hiện trên phạm vi cả nước, kéo dài trong nhiều tháng, “nhà nhà mua thịt lợn”, “ngành ngành mua thịt lợn”.

Việc “giải cứu” thịt lợn có thể xem là thành công khi đã giúp hàng nghìn hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ thoát khỏi tình cảnh nợ nần. Thế nhưng, cùng với việc “giải cứu” thịt lợn lên cao thì nhiều loại nông sản khác lại bắt đầu bị “tắc” đầu ra. 

Nhiều người chăn nuôi gia súc lớn (bò, trâu) hoặc chăn nuôi gia cầm (gà, vịt) và thuỷ sản đã bị giảm lượng hàng hoá tiêu thụ rõ rệt. Vào thời điểm tháng 5-6/2017, giá trâu/bò trên thị trường giảm sâu (giảm gần một nửa so với đầu năm 2017). 

Nghịch lý là, trong khi đàn lợn “nội” thừa quá nhiều, người chăn nuôi trâu/bò trong nước cũng chịu tác động thì các doanh nghiệp Việt Nam lại ồ ạt đi nhập trâu, bò về giết mổ. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm nước ta phải chi ra trên 300 triệu USD để nhập khẩu trâu, bò sống và các sản phẩm thịt từ trâu bò. Riêng năm 2017, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã nhập khẩu 6.554 tấn thịt lợn các loại với giá trị nhập khẩu 11,07 triệu USD); hơn 81,4 ngàn tấn thịt gia cầm, giá trị nhập khẩu trên 75,7 triệu USD).

Đáng chú ý, cũng trong năm 2017, Việt Nam nhập tới 262.321 con trâu bò sống và 41,46 ngàn tấn thịt các loại (chủ yếu là thịt trâu bò có xương), giá trị kim ngạch nhập khẩu gần 416 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng).

Cần “giải cứu” tầm nhìn

Phải nhìn nhận rằng, nếu nông nghiệp hiện vẫn là ngành kinh tế chủ lực của nước ta thì chăn nuôi, trồng trọt cũng vẫn là lĩnh vực “xương sống” của ngành nông nghiệp. Trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 3,0%, trong đó lĩnh vực trồng trọt đạt tối thiểu 2,2%, chăn nuôi 3%, thủy sản 5,5%, lâm nghiệp 6%. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD.

Riêng với lĩnh vực chăn nuôi, năm 2018, ngành đề ra mục tiêu đạt tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng trứng các loại khoảng 11,58 tỷ quả tăng 8,8%; sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn tăng 14,1%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1 triệu tấn tăng 7,8%…

Việc đặt mục tiêu năm sau cao hơn năm trước là lẽ đương nhiên. Nhưng quan trọng là giải pháp để thực hiện. Đặc biệt, làm sao để nông sản có được đầu ra ổn định vẫn là bài toán hóc búa. Giải pháp căn cơ nào để câu chuyện “giải cứu” nông sản không còn tái diễn? 

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc không thể cứ đi “giải cứu” mãi; bởi việc “giải cứu” dù có mang tính nhân văn đi chăng nữa thì cũng góp phần làm suy yêu nội lực của ngành nông nghiệp. Bởi vậy, các cơ quan quản lý cần phải xem xét, phân tích chính xác nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng trên, có giải pháp giải quyết triệt để, lâu dài.

Theo đánh giá, hiện nay ngành nông nghiệp còn tồn tại một thực tế là nhiều chính sách hỗ trợ chưa được thực thi có hiệu quả, chưa đi vào thực tiễn sản xuất. Đặc biệt là việc định hướng, cảnh báo thị trường hiện vẫn là một khâu rất yếu trong sản xuất nông nghiệp nước ta. 

Chính một lãnh đạo của Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thon) cũng đã thừa nhận rằng: “Nguyên nhân chính của việc thua lỗ trong chăn nuôi là khâu tổ chức sản xuất yếu kém, đặc biệt khâu yếu nhất là kết nối người sản xuất với thị trường. Trước đây, khi giá lợn tăng, người người đổ đi chăn nuôi, nhà nhà chăn nuôi, chăn nuôi theo tâm lý đám đông. Chăn nuôi hàng hóa nhưng không biết bán cho ai, thị trường nào, phân khúc nào”.

Thực tế, việc cảnh báo và đưa ra chính sách phù hợp để thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản hầu như vắng bóng. Sự vắng bóng này do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do cán bộ làm nông nghiệp chưa thực sự sâu sát với nông dân để hiểu được nông dân và ngành nông nghiệp đang cần gì. Để có được quy hoạch và định hướng sản phẩm đòi hỏi cán bộ phải đi thực địa nhiều, nghiên cứu nhiều xem vùng nào phù hợp với sản phẩm nào, thị trường tiêu thụ ở đâu? Khi sản xuất, chế biến sản phẩm đó, nông dân có gặp khó khăn, vướng mắc gì? Hiểu được những vấn đề từ thực tế thì việc tham mưu, ban hành chính sách mới khả thi. Và nông dân cũng sẽ yên tâm hơn khi chỉ tập trung sản xuất cho thật tốt, giảm bớt lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành