Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ để giảm nghèo

V­­­ới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác giảm nghèo của tỉnh ta trong thời gian qua đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh mới hàng năm còn cao (năm 2017 là 2.095 hộ, năm 2018 là 1.739 hộ); có 4/10 huyện/thành phố là Kon Rẫy, Đăk Glei, Đăk Hà và Ia H’Drai chưa đạt mục tiêu đề ra; cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị và ý thức vươn lên của người nghèo.

Hỗ trợ phát triển chăn nuôi

Hiện nay trung bình một xã ở vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh được thụ hưởng trên 20 loại chính sách ưu đãi mỗi năm. Ngoài các chính sách đảm bảo an sinh xã hội thường xuyên như hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi… chương trình, chính sách giảm nghèo hiện nay còn tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; hạn chế hỗ trợ cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, có đối ứng khi tham gia thực hiện, có thời hạn thu hồi, luân chuyển giao cho cộng đồng đề xuất, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Theo đó, tổng kinh phí thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 1 (Chương trình 30a): Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo giai đoạn 2016-2018 được giao 99.358 triệu đồng; Tiểu dự án 2, Dự án 2 (Chương trình 135) giai đoạn 2016-2018 được giao 59.056 triệu đồng thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, tập huấn kỹ thuật… hỗ trợ máy nông nghiệp, công cụ phục vụ sản xuất. Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 giai đoạn giai đoạn 2016-2018 được giao 2.635 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, tập huấn kỹ thuật… hỗ trợ máy nông nghiệp, công cụ phục vụ sản xuất.

Quá trình triển khai dự án, các huyện, thành phố hỗ trợ cây công nghiệp, gia súc, vật tư, hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo,... góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Nhìn chung, các hộ nghèo tham gia dự án đã cam kết sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đúng mục đích, bảo toàn được nguồn vốn.

Gần đây, nhiều cử tri trong tỉnh kiến nghị cần giãn thời gian thu hồi vốn đối với các hộ tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo... Vì, nếu đầu tư trồng các loại cây công nghiệp trong thời gian 3 năm thì chưa bảo đảm được nguồn thu để hoàn trả vốn hỗ trợ ban đầu.

Nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng: Dự án hỗ trợ, phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, dự án được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thực tế của người nghèo, tác động trực tiếp đến cách nghĩ, cách làm và tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ giới hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp, từng bước phát triển kinh tế hộ góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Chương trình thực hiện theo phương thức này là tập trung hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, theo hướng hạn chế hỗ trợ cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, có đối ứng khi tham gia thực hiện; có thời hạn thu hồi, luân chuyển vốn, tiếp tục giao cho nhóm hộ khác xây dựng dự án và tổ chức thực hiện.

Ngày 23/1/2019, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 234/UBND-KGVX nêu rõ mức thu hồi vốn theo của Dự án án hỗ trợ, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo tối thiểu là 30% và tối đa là 70% vốn hỗ trợ ban đầu, thứ tự ưu tiên: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thời gian thu hồi vốn hỗ trợ, tùy thuộc vào từng dự án, điều kiện cụ thể của từng địa phương, chủ tịch UBND các huyện, thành phố xem xét, quyết định thu hồi vốn một lần, hoặc nhiều lần. Thời gian thu hồi vốn thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính (tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt).

Đây là hướng đi phù hợp, tuy nhiên để phát triển bền vững ngoài những chính sách về y tế, học hành, về điện, đường, thông tin… thì cần có sự “tiếp sức” hơn nữa của Nhà nước trong tiêu thụ sản phẩm; về xử lý những rủi ro do dịch bệnh, thiên tai… để người dân có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.   

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành